Văn hóa doanh nghiệp ngành điện đã được xây dựng từ rất lâu, được phát triển trong suốt quá quá trình phát triển của ngành. Thực thi Văn hóa Doanh nghiệp (VHDN) trong ngành điện là không ngừng đổi mới, hoàn thiện, áp dụng công nghệ hiện đại, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, từng bước xóa bỏ những định kiến về một Doanh Nghiệp Nhà Nước “độc quyền”, trở thành doanh nghiệp phục vụ, tận tâm và trách nhiệm.
Ngày nay, trong một bối cảnh xã hội hiện đại và đầy năng động với nhiều quan hệ đa dạng, phong phú, văn hóa giao tiếp nói chung và văn hóa tiếp khách nói riêng vẫn có tầm quan trọng đặc biệt. Nó góp phần tạo nên các mối quan hệ đẹp, thể hiện rõ các bản sắc văn hóa, các chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng, những nét đẹp trong tình bạn, trong các quan hệ đối tác kinh doanh...
Nếu công tác chuyên môn cần sự hiểu biết, sự cần cù, năng động... thì công tác giao tiếp khách hàng lại là một công việc cần sự khéo léo, hòa đồng và thật sự tinh tế. Để việc gặp gỡ và trao đổi công việc được thuận lợi thì với tư cách là người đón tiếp ở bất cứ một cơ quan, doanh nghiệp cũng luôn cố gắng làm đẹp lòng khách.
Văn hóa giao tiếp khách hàng là một việc làm tưởng chừng như rất đơn giản nhưng thật sự đó lại là công việc rất cần sự khéo léo. Chính vì vậy, ấn tượng đầu tiên của khách qua sự đón tiếp sẽ được định hình và tạo ấn tượng khá lâu, sâu xa hơn nó còn tạo được nét văn hóa của cơ quan chúng ta trong văn hóa tiếp khách nói riêng và văn hóa ứng xử nói chung.
Thấu hiểu được những điều đó, công tác giao tiếp khách hàng tại Công ty Điện lực Thái Nguyên trong thời gian qua luôn được quan tâm, chú trọng, luôn thể hiện văn hóa giao tiếp với khách hàng bằng sự chào đón niềm nở, lịch sự.
Tuy nhiên, vừa qua khi tiến hành kiểm tra việc thực thi văn hóa doanh nghiệp của các điện lực trực thuộc, vẫn còn có đơn vị chưa tuân thủ các quy định trong công tác giao tiếp khách hàng như việc không mặc đồng phục, đeo biển tên theo quy định của Công ty.
Thiết nghĩ, đó là chỉ việc rất nhỏ trong công tác văn hóa giao tiếp khách hàng, nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và uy tín của đơn vị, cũng như của Công ty đối với các khách hàng sử dụng điện khi đến giao dịch với ngành.
Vì vậy, để công tác dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực ngành điện nói riêng và công tác thực thi văn hóa doanh nghiệp của công ty nói chung ngày càng hoàn thiện và nâng cao, trước hết những người trực tiếp làm nhiệm vụ giao tiếp với khách hàng sử dụng điện phải luôn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phải tuân thủ các quy định trong quy trình giao tiếp khách hàng.
Như vậy văn hóa doanh nghiệp sẽ được thực thi thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, từ việc tưởng chừng đơn giản nhất, thực hành lâu dần thành thói quen, thành nét đẹp văn hóa truyền thống./.
Minh Nguyệt-Văn Phòng