Check icon

    Success

    Your request has been successfully submitted.

    Open Left Rail Navigation

    Lịch sử phát triển

    CÔNG TY ĐIỆN LỰC THÁI NGUYÊN

    Địa chỉ: 31 Hoàng Văn Thụ - TP Thái Nguyên
     

    1. Chức năng, nhiệm vụ Công ty Điện lực Thái Nguyên

    PC Thái Nguyên là một đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với chức năng nhiệm vụ chính là quản lý vận hành lưới điện và kinh doanh bán điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

    2. Cơ cấu tổ chức

    + Ban Giám đốc Công ty

    + Bộ máy quản lý gồm 12 phòng chức năng và Ban Quản lý dự án Điện lực TN.

    + Các đơn vị trực thuộc gồm: 9 Điện lực; Đội quản lý vận hành lưới điện Cao thế Thái Nguyên; Đội sửa chữa điện tổng hợp; Đội sửa chữa hotline; Trung tâm Thí nghiệm điện Thái Nguyên.

    3. Các phần thưởng cao quý đã nhận

    + Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000)

    + Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2013)

    + Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2003)

    + Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1984; 1998) (02 lần)

    + Huân chương Lao động hạng Nhì (1980; 2018) (02 lần)

    + Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1977)

    + Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (năm 1973)

    + Huân chương Kháng chiến hạng Ba (năm 1971)

    + 06 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;

    + 12 Cờ luân lưu của Chủ tịch nước

    + Nhiều phần thưởng cao quý khác của các Bộ, ngành, địa phương.

     4. Quá trình hình thành và phát triển

    Công ty Điện lực Thái Nguyên, tiền thân là Nhà máy điện Thái Nguyên được thành lập ngày 25/12/1963. Nhà máy gồm có 3 tổ máy phát điện, công suất thiết kế là 24MW. Nhà máy quản lý vận hành 128 km đường dây các loại với 10 trạm/15 máy biến áp, tổng dung lượng 68.120 KVA, chủ yếu phục vụ cho khu Gang Thép Thái Nguyên.

    Giai đoạn 1964-1975: Đây là thời kỳ Nhà máy điện Thái Nguyên trải qua nhiều diễn biến phức tạp, vừa xây dựng, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ và khôi phục Nhà máy. Tuy sản xuất dưới những trận bom, bão đạn của đế Quốc Mỹ nhưng trong thời gian này, Nhà máy đã hòa lưới điện Quốc gia khoảng 1,2 tỷ kWh, vượt kế hoạch đề ra 1,06%.

    Giai đoạn 1976-1989: Đây là giai đoạn khắc phục khó khăn, tiếp cận cơ chế mới.

    - Thời kỳ này bên cạnh những khó khăn trong khôi phục và sản xuất, Nhà máy càng phát huy tinh thần làm chủ, thông minh sáng tạo. Trong giai đoạn này mỗi năm Nhà máy có tới 50-70 sáng kiến lớn, nhỏ và là đơn vị dẫn đầu trong ngành điện về các phong trào thi đua và được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá cao.

    - Đến năm 1983, sau 20 năm thành lập, sản lượng điện phát ra đạt 2.212.600 kWh, vượt 6,21% so với kế hoạch được giao. Cũng trong 20 năm, phong trào phát huy sáng kiến đã đạt được 2.026 sáng kiến, giá trị làm lợi 7.418.000 đồng. Lần đầu tiên, sau 20 năm kể từ ngày thành lập, Nhà máy về đích trước kế hoạch 76 ngày. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ thợ điện Nhà máy Điện Thái Nguyên.

    - Tháng 2/1985, Nhà máy điện Thái Nguyên được đổi tên thành Sở Điện lực Bắc Thái. Nhiệm vụ của Nhà máy lúc này là bên cạnh việc sản xuất ra dòng điện còn có thêm phần truyền tải và phân phối điện năng. Từ đây Nhà máy chính thức bước vào giai đoạn mới - hòa mình cùng công cuộc đổi mới, vươn lên thành một điểm sáng của ngành điện.

    Giai đoạn 1989-2003: Giai đoạn ngừng phát điện, phát bù vô công và ngừng phát bù vô công.

    - Năm 1989, Bộ Năng lượng quyết định các lò máy của Sở Điện lực Bắc Thái ngừng sản xuất điện. Nhiệm vụ lúc này là quản lý hệ thống đường dây truyền tải, phân phối và kinh doanh theo cơ chế mới của ngành điện đó là phát triển lưới điện, tăng sản lượng điện thương phẩm và giảm tổn thất điện năng. Tháng 4/1997 Sở Điện lực Bắc Thái được đổi tên là Điện lực Thái Nguyên, cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ sau khi chia tách tỉnh.

    - Năm 1989, tại thời điểm dừng phát điện chuyển sang hoạt động SXKD theo cơ chế mới, Điện lực Thái Nguyên quản lý vận hành 569,4 km đường dây từ 6 - 110kV; 265 km đường dây 0,4 kV; 127 TBA và 151 MBA. Tổng dung lượng 206.500kVA.

    - Năm 1990, điện thương phẩm đạt trên 216 tr.kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng 13,7%; doanh thu đạt gần 30 tỷ đồng; số hộ sử dụng điện là 18.751.

    - Năm 1992, điện thương phẩm đạt trên 286 tr.kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng 13,7%; doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng; số hộ sử dụng điện là 23.564.

    - Năm 1996, điện thương phẩm đạt trên 393 tr.kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng 12,7%; doanh thu đạt trên 224 tỷ đồng; số hộ sử dụng điện là 31.728.

    - Đến năm 2003, điện thương phẩm đạt trên 644 tr.kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng 6,67%; doanh thu đạt trên 501 tỷ đồng; số hộ sử dụng điện là 80.241.

    Trong giai đoạn này, Điện lực đã đầu tư các trạm 110kV, máy biến áp, đường dây trung thế, hạ thế với tổng mức đầu tư 168 tỷ đồng cho 293 hạng mục, công trình. Năm 1995 tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển, Điện lực Bắc Thái đã xây dựng lưới điện trung thế 22kV với quy mô 01 TBA 110kV với 01 MBA 25 MVA; 50,6 km đường dây trung thế; 180,3 km đường dây hạ thế; 120 TBA có dung lượng đạt 30.610 kVA.

    - Thực hiện đề án chuyển đổi mô hình tổ chức thành lập Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, ngày 14/04/2010 Điện lực Thái Nguyên đổi tên thành Công ty Điện lực Thái Nguyên.

    - Từ năm 1999, ngành điện bắt đầu thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, từng bước đưa lưới điện quốc gia về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Công ty Điện lực Thái Nguyên đã đạt được những thành tích đáng kể, từ chỗ không có xã nào trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia năm 1983, 20 năm sau, ngày 8/11/2003, 145/145 xã của tỉnh có điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 100%, về trước kế hoạch 52 ngày theo mục tiêu Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ Thái Nguyên lần thứ XVI.

    - Sau 40 năm xây dựng và trưởng thành (1963-2003), ban đầu chỉ vận hành 128 km đường dây các loại với 10 trạm/15 máy biến áp, tổng dung lượng 68.120 kVA thì đến năm 2003, Điện lực Thái Nguyên đã quản lý và vận hành tổng chiều dài đường dây các loại lên tới 4.500 km; 903/941 máy biến áp, tổng dung lượng 312.611 kVA và 80.241 khách hàng.

    Giai đoạn 2004-2008

    Với phương châm ngành Điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do vậy phụ tải công nghiệp tăng 50-70%/năm.

    Năm 2004: Điện thương phẩm đạt 754 tr.kWh; tổn thất điện năng 6,28%; Doanh thu đạt 543 tỷ đồng; số khách hàng sử dụng điện 100.677 hộ.

    Năm 2008: Điện thương phẩm đạt 1.083 tr.kWh; tổn thất điện năng 4,94%; số khách hàng sử dụng điện 132.739 hộ. Năm 2008, Điện lực Thái Nguyên cán mốc 1 tỉ kWh điện, là một trong số những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Tổng công ty Điện lực Việt Nam lúc bấy giờ, là đơn vị đi đầu của khu vực miền Bắc.

    Từ năm 2004-2008: Điện lực đã đầu tư 246 hạng mục, công trình với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Nâng tổng số chiều dài đường dây trung thế 1.726 km; 3.419 km đường dây hạ thế. Hoàn thành nâng cấp lưới 6kV lên 22kV khu vực Thành phố Thái Nguyên, xóa bỏ trạm Trung gian Đán; Đóng điện vận hành trạm 110kV Đán…

    Giai đoạn từ 2009-2015

    - Đây là giai đoạn mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng của PC Thái Nguyên. Thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm theo kỳ đại hội Đảng.

    - Giai đoạn này Thái Nguyên đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư trong đó ưu tiên thu hút các dự án FDI từ các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp xuyên quốc gia. Việc đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ SamSung và các đơn vị phụ trợ đặt áp lực lớn lên ngành điện về tăng phụ tải. Công ty Điện lực Thái Nguyên huy động tối đa các nguồn lực đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn, đầu tư có trọng điểm những dự án lớn như Xây dựng TBA 110kV Quang Sơn 2010, Xây dựng TBA 110KV Yên Bình 1… 

    - Thực hiện nghị quyết TW 7 khóa 10 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” tính đến tháng 9/2009 Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tiếp nhận xong lưới điện hạ áp nông thôn 91 xã (về trước kế hoạch 3 tháng), đến tháng 7/2010 đã hoàn thành công tác cải tạo tối thiểu cho 100% lưới điện hạ áp nông thôn các xã.

    - 5 năm liên tục từ 2009-2013, Công ty liên tục là đơn vị hoàn thành xuất sắc toàn diện các chỉ tiêu SXKD. Năm 2013 cũng là năm PC Thái Nguyên tròn 50 tuổi. 50 năm xây dựng và trưởng thành, PC Thái Nguyên đã góp phần đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tỉnh Thái Nguyên và cho sự phát triển bền vững của ngành điện. Các thế hệ cán bộ, công nhân viên đã kế tiếp nhau viết nên trang sử truyền thống tốt đẹp và hào hùng, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương độc lập hạng nhì; hạng ba; Huân chương lao động Nhất, nhì, ba; huân chương chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác.

    Giai đoạn 2014-2018: Thích ứng hội nhập, phát triển bền vững.

    Tiếp nối thành công trong công tác thu hút đầu tư từ năm 2013, năm 2014 Thái Nguyên đã thu hút được 22 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới là 3,2 tỷ USD. Ngoài ra, có 9 dự án tăng vốn đã đưa tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm của Thái Nguyên đạt 3,35 tỷ USD, đứng thứ nhất trên cả nước về thu hút FDI trong năm 2014. Tính lũy kế đến hết năm 2014, Thái Nguyên đã thu hút được 75 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,9 tỷ USD, nổi bật là Tập đoàn Samsung đầu tư 6,4 tỷ USD xây dựng Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên thành cứ điểm mạnh nhất toàn cầu.

    Từ đây, Thái Nguyên bước vào một giai đoạn mới, khẳng định vị trí trên bản đồ phát triển công nghiệp của cả nước. Trong giai đoạn 2014-2018, Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Tỉnh cũng tích cực thực hiện chuyển đổi số, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

    Sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của Thái Nguyên là động lực thúc đẩy giai đoạn phát triển mới của Công ty Điện lực Thái Nguyên. Đơn vị bước sang một giai đoạn mới với tinh thần phục vụ ngày càng tốt hơn, từng bước thực hiện các mục tiêu lớn mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Thái Nguyên đặt ra.

    Là một trong những đơn vị luôn tích cực và tiên phong đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu từ công tác điều hành, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng nhằm tăng năng suất lao động, hiệu suất công việc và bảo vệ môi trường. Giai đoạn này, nhiều thành tựu công nghệ mới đã được Công ty ứng dụng, tạo được những đột phá trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Điểm nhấn quan trọng nhất trong năm “Kinh doanh và dịch vụ khách hàng 2013” là hoàn thiện hệ thống phòng giao dịch khách hàng tại Công ty và 10 Điện lực trực thuộc. Đây là tiền đề quan trọng để Công ty thực hiện cải cách thủ tục hành chính nội bộ, chủ động cung cấp thông tin trong giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng theo phương châm Dễ tiếp cận - Dễ tham gia - Dễ giám sát.

    Năm 2014, Công ty Điện lực Thái Nguyên triển khai 100% hoá đơn điện tử, khi đó là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai hình thức này. Xây dựng hệ thống đo đếm điện tử, đo đếm từ xa từng bước đáp ứng lộ trình phát triển lưới điện thông minh. Nổi bật trong giai đoạn này là triển khai đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng hệ thống đo xa tự động thu thập, giám sát thông số vận hành lưới điện hạ thế, phục vụ công tác quản lý điều hành kinh doanh điện năng” đã đạt giải thưởng VIFOTEC vào tháng 8/2017 tại Hội thảo “Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

    NHIỀU CÔNG NGHỆ MỚI ĐƯỢC ỨNG DỤNG

    Với mục tiêu tăng năng suất lao động, hiệu suất công việc, giai đoạn này, nhiều công nghệ mới được ứng dụng như: phần mềm ghi chỉ số online sử dụng gậy camera và máy tính bảng; phần mềm chấm nợ online thông qua thẻ khách hàng tích hợp mã QRcode; phần mềm giám sát điều khiển đóng cắt từ xa các recloser, LBS trên lưới điện trung áp; phần mềm kiểm tra đường dây và trạm biến áp online lại hiện trường; ứng dụng flycam, camera nhiệt kiểm tra phát hiện sự cố trên lưới điện; sử dụng các chương trình phần mềm để tính toán độ tin cậy lưới điện, tự động nhắn tin thông báo lịch sửa chữa, lịch ngừng giảm cung cấp điện tới khách hàng sử dụng điện…

    Năm 2018, Công ty hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều khiển xa, vận hành 12/12 trạm biến áp 110kV không người trực; xây dựng hệ thống mạch vòng lưới điện trung thế đảm bảo ổn định cung cấp điện.

    Giai đoạn 2019-2023: Đẩy mạnh Chuyển đổi số

    Trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh của giai đoạn trước và hệ thống cơ sở dữ liệu đã được thu thập bởi các chương trình phần mềm, giai đoạn 2019-2023, thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam”, Công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện ứng dụng chuyển đổi số toàn diện nhằm cung cấp dịch vụ điện lực một cách hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho khách hàng. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

    Để đạt được những mục tiêu, kỳ vọng cũng như hiệu quả thiết thực trong quá trình chuyển đổi số, Công ty đã sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với những đường hướng, mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể. Không chỉ dừng lại ở các giải pháp về công nghệ, về quy trình, nhân lực mà còn có những giải pháp về tư duy chuyển đổi. Với những định hướng rõ ràng, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của đội ngũ lãnh đạo, sự nỗ lực của tập thể CBCNV, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã chuyển đổi số thành công quy trình Tài chính kế toán; Kinh doanh dịch vụ khách hàng; Kỹ thuật An toàn; Đầu tư xây dựng; Quản trị nội bộ. Riêng số hóa lĩnh vực Tài chính kế toán được Tổng công ty đánh giá là đơn vị triển khai quyết liệt và thực hiện tốt nhất, có nhiều hồ sơ, chứng từ được cập nhật. Chuyển đổi số đã trở thành hoạt động hàng ngày đối với ngành điện Thái Nguyên. Đội ngũ CBCNV, người lao động tích cực học tập, ứng dụng khoa học hiện đại nhằm làm chủ được công nghệ, đáp ứng yêu cầu trong thời đại 4.0.

    Công tác Kinh doanh và dịch vụ khách hàng: Công ty đã thực hiện số hóa 100% hợp đồng mua bán điện với trên 406 nghìn khách hàng; cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, mức độ cao nhất của Chính phủ. Đồng hành với công cuộc chuyển đổi số của Chính phủ, của tỉnh Thái Nguyên, thực hiện triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ngành điện cũng đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu ngành điện. Ngoài ra, các dịch vụ của ngành điện còn được số hóa, cung cấp trên nhiều nền tảng khác nhau nhằm phục vụ tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Công ty đã phối hợp với các UBND tỉnh, các Sở ban ngành, EVN, EVNNPC đưa các dịch vụ tiện ích về điện, tích hợp trên nền tảng Thái Nguyên ID - nền tảng công dân số của tỉnh và là đơn vị tiên phong trong 63 tỉnh thành được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh ghi nhận.

    Nhằm nâng cao dịch vụ về điện trong chăm sóc khách hàng,  Công ty đẩy mạnh thay thế lắp đặt công tơ điện tử và đo xa. Tính đến hết năm 2023, tổng số công tơ bán điện là 406.386 chiếc, trong đó công tơ điện tử là 378.971 chiếc, chiếm tỷ lệ 93,25%. Khai thác 100% các ứng dụng phần mềm đã triển khai như chương trình quản lý thông báo tập trung, giám sát sản lượng điện bất thường; ứng dụng thu thập thông tin hiện trường, ứng dụng CSKH ngành điện; số hóa nghiệp vụ hiện trường trên thiết bị di động; tăng cường thanh toán bằng thiết bị di động. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 90,07%. Tiền điện thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt 98,6%. Luôn hoàn thành ở mức cao hơn so với chỉ tiêu Tổng công ty giao.

    Công tác Kỹ thuật An toàn: Song song với việc tự động hóa hoàn toàn lưới điện 110kV, Công ty Điện lực Thái Nguyên đang từng bước tự động hóa mạch vòng lưới điện trung áp. Triển khai lưới điện thông minh bằng sử dụng thiết bị điều khiển đóng cắt từ xa; xây dựng hệ thống mạch vòng đa chia, đa nối. Ứng dụng flycam, camera nhiệt kiểm tra phát hiện sự cố trên lưới điện. Triển khai sửa chữa, đấu nối và vệ sinh điện hotline không cần cắt điện; triển khai ứng dụng hiện trường trên smartphone, thiết bị đo nhiệt. Sử dụng các chương trình phần mềm như Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện; quản lý mất điện và tính toán độ tin cậy lưới điện; tự động nhắn tin thông báo lịch sửa chữa, lịch ngừng giảm cung cấp điện tới khách hàng sử dụng điện. Phần mềm bảo trì sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lưới điện…

    Công tác Đầu tư xây dựng: Thực hiện số hoá giám sát thi công bằng hình ảnh, cập nhật 100% hình ảnh giám sát thi công đối với các công trình giám sát trực tiếp. Hồ sơ dự án công trình điện được quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử...Ứng dụng công nghệ mới trong công tác khảo sát thiết kế như khảo sát 3D, sử dụng chụp ảnh độ phân giải cao HD. 100% các gói thầu được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi qua mạng…

    Công tác Quản trị nội bộ: Công ty đã triển khai ứng dụng hệ thống Digital-Office để thực hiện các quy trình nghiệp vụ Văn phòng. 100% văn bản đi, đến, hồ sơ được số hóa và lưu chuyển trên Digital-Office. 100% CBCNV được cấp chữ ký CA nội bộ. Triển khai 100% phòng họp không giấy, trình chiếu không dây.

    Thời gian tới, Công ty Điện lực Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương, của ngành. Tăng cường năng lực kết nối, chia sẻ dữ liệu đến các Bộ, ban ngành, góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực phía Bắc. Công ty Điện lực Thái Nguyên phấn đấu sớm về đích và trở thành Doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước năm 2025.

    XÂY DỰNG CÁC TRẠM BIẾN ÁP 110KV KHÔNG NGƯỜI TRỰC

    Thái Nguyên là điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI. Để đáp ứng nhu cầu về điện của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giai đoạn này ngành Điện tiếp nối việc ứng dụng công nghệ trong giai đoạn trước, xây dựng các trạm biến áp 110kV không người trực và hệ thống mạch vòng lưới điện trung thế, phát triển lưới điện thông minh nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện.

    Tiếp nối việc cấp điện cho khu công nghiệp Yên Bình, đặc biệt là cho Tập đoàn Samsung và các nhà máy phụ trợ, từ năm 2013 đến 2023, ngành Điện đã thực hiện đầu tư phát triển lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư 2.318,4 tỷ đồng; xây dựng mới 9 trạm biến áp 110kV; xây mới và cải tạo 103,08 km đường dây 110kV để cấp điện cho các khu công nghiệp: Yên Bình (TP. Phổ Yên); Điềm Thụy (huyện Phú Bình) và KCN Sông Công; các dự án 110kV Đại Từ, Sông Công II, Yên Bình 8, Định Hóa, Đa Phúc... Bằng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng điện, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã và đang đáp ứng nhu cầu phụ tải cho các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp góp phần phục vụ phát triển kinh tế tăng trưởng đột biến của tỉnh trong những năm qua, được lãnh đạo Tỉnh và khách hàng ghi nhận, tin tưởng đánh giá cao.

    ĐẦU TƯ VÀ MỞ RỘNG HỆ THỐNG LƯỚI ĐIỆN TRUNG HẠ ÁP - NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG LƯỚI ĐIỆN NÔNG THÔN

      Song song việc đầu tư lưới điện đáp ứng nhu cầu phụ tải của các KCN, Công ty Điện lực Thái Nguyên cũng đã tích cực đầu tư và mở rộng hệ thống lưới điện trung hạ áp với tổng mức đầu tư 2.424 tỷ đồng, trong đó xây dựng mới 828 km đường dây trung áp; 1653 km đường dây hạ áp; Xây dựng mới 1.380 TBA với tổng dung lượng 447.905 kVA.

    Không chỉ chú trọng đến đối tượng khách hàng ở miền xuôi, thành thị, Công ty Điện lực Thái Nguyên luôn nỗ lực đem nguồn điện lưới quốc gia đến mọi xóm bản xa xôi, khó khăn của tỉnh. Trước sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là nỗ lực của ngành Điện lực Thái Nguyên, ngày 11/9/2020, điện đã được phủ sóng ở xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai). Thái Nguyên chính thức hoàn thành mục tiêu 100% các xã, thôn bản được cung cấp và sử dụng lưới điện Quốc gia. Số xã đạt tiêu chí số 4 về điện đạt 137/137 xã, đạt 100%. Có thể nói việc quan tâm đầu tư nguồn lực cho phát triển hệ thống điện ở miền núi với địa hình khó khăn phức tạp, chi phí phát sinh lớn, tổn thất điện cao đã thể hiện ý thức chính trị và tinh thần trách nhiệm cao của Công ty trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, nâng cao dân trí cho người dân.

    CÁC CHỈ TIÊU ĐỀU ĐẠT VÀ VƯỢT SO VỚI KẾ HOẠCH GIAO

    Năm 2014, điện thương phẩm đạt 1.693 triệu kWh, doanh thu đạt trên 2.404 tỷ đồng, tổng số 310.482 khách hàng sử dụng điện, tỷ lệ tổn thất 5,75%. Năm 2023, Công ty đã đạt trên 5.700 triệu kWh điện thương phẩm, doanh thu đạt 9.782 tỷ đồng, tổng số 406.012 khách hàng, tỷ lệ tổn thất liên tục giảm qua các năm, xuống còn 3,04%. Chỉ tiêu độ ổn định cung cấp điện cũng được cải thiện rõ rệt. Chỉ số tiếp cận điện năng < 5 ngày.

    Giai đoạn 2014-2023, tổng thương phẩm là 43,3 tỷ kWh, tăng trưởng 3,8 lần so với 10 năm trước (2004-2013). Là 1 trong 10 đơn vị có điện thương phẩm lớn nhất trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Con số này cũng phản ánh sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

    Sau 60 năm xây dựng và trưởng thành (1963-2023), ban đầu vận hành chỉ có 128 km đường dây các loại, với 10 trạm/15 máy biến áp, tổng dung lượng 68.120 kVA, chủ yếu phục vụ cho Khu Gang thép. Đến năm 2023, hệ thống lưới điện của Công ty Điện lực Thái Nguyên liên tục được đầu tư, mở rộng và hiện đại hoá. Hiện Công ty đang quản lý và vận hành 16 TBA 110kV không người trực, 38 MBA 110kV, tổng công suất toàn tỉnh 2141 MVA; gần 11 nghìn km đường dây các loại (351 km đường dây 110kV; 2.702 km đường dây trung thế; 7.794 km đường dây hạ thế); 2.492 TBA/2.496 MBA phân phối, tổng công suất 587.655kVA.

    NHIỀU DẤU ẤN

    Nhìn lại giai đoạn 2014-2023, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về điện phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế của địa phương. Công ty thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tối ưu hóa chi phí, giảm tổn thất điện, năng nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành phân phối điện… Hầu hết các chỉ tiêu về thời gian cấp điện bình quân của Công ty đều đảm bảo nhỏ hơn quy định theo quy trình kinh doanh của Tập đoàn và Tổng công ty. Đồng thời, Công ty cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, công khai minh bạch dịch vụ, qua đó điểm đánh giá sự hài lòng khách hàng sinh hoạt của đơn vị liên tục tăng điểm…

    Công ty đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp, thay đổi về mô hình tổ chức; xây dựng nhiều quy định mới nhằm phát huy tính chủ động, tính năng động, tính sáng tạo của tập thể CBCNV. Và một điều đáng trân trọng thể hiện rõ nhất sự thay đổi trong tư duy, từ đội ngũ lãnh đạo đến CBCNV Công ty Điện lực Thái Nguyên đó là một tinh thần cầu thị, tích cực, khẩn trương, quyết liệt trong ứng phó mọi hoạt động SXKD của đơn vị.

    Công tác xây dựng Đảng có bước phát triển mới với nhiều hoạt động hiệu quả, bám sát các nghị quyết của Đảng ủy, nhiệm vụ chính trị của Công ty, tổ chức Công đoàn, đoàn thanh niên có sự phối hợp chặt chẽ, tổ chức các phong trào thi đua trọng tâm. Từ 01/01/2019, Đảng bộ Công ty Điện lực Thái Nguyên được chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên về trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên. Đến thời điểm hiện tại có 25 chi bộ trực thuộc với tổng số 380 đảng viên.

    Công ty Điện lực Thái Nguyên cũng là đơn vị luôn đi đầu trong hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện trên địa bàn. Đó cũng chính là thể hiện tấm lòng, tình cảm, sống có trách nhiệm nghĩa tình, là truyền thống tốt đẹp của những người thợ điện. Công ty đã dành hàng tỷ đồng mỗi năm để giúp đỡ người nghèo, nhận phụng dưỡng thăm hỏi các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng; tặng quà và nhiều công trình có giá trị trên địa bàn, xây dựng nhà mái ấm công đoàn…

    Với những đóng góp to lớn cho ngành điện nói chung và sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên nói riêng, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên… Đặc biệt, Công ty đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Nhì năm 2013, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2018.

    5. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2023: Thực hiện chủ đề “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí”

     * Kinh doanh điện năng

    Năm 2023 là năm Công ty phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn trong công tác SXKD, tuy nhiên với tinh thần quyết tâm của tập thể CBCNV, người lao động và “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, khối Kinh doanh đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra cụ thể:

    Sản lượng điện thương phẩm đạt 5.770,79 Tr.kWh, tăng 7,42% so với năm 2022, tăng 3,23% so với kế hoạch Tổng công ty giao. Giá bán lũy kế đạt 1.765,49 đ/kWh, tăng 15,53 đồng so với kế hoạch. Doanh thu tiền điện đạt 10.188,27 tỷ đồng, tăng 10,86% so cùng kỳ năm 2022 tương ứng tăng trưởng 997,76 tỷ đồng. Tổn thất điện năng thực hiện 3,01%, thấp hơn 0,03% so với kế hoạch năm 2023 và thấp hơn 0,09% so với cùng kỳ 2022.

    Chỉ số tiếp cận điện năng thực hiện 4,09 rút ngắn 0,91 ngày so với kế hoạch và rút ngắn 0,13 ngày so với cùng kỳ năm 2022. Đến 31/12/2023, toàn Công ty quản lý 405.707 khách hàng. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt thực hiện đạt 90,97% tăng 3,35% so với kế hoạch năm 2023 Tổng công ty giao.

    Trong năm, Công ty đã thay thế gần 64 nghìn công tơ điện tử, nâng tổng số công tơ điện tử trên địa bàn tỉnh lên 376.601 chiếc, chiếm tỷ lệ 92,79% công tơ treo trên lưới.

    Với 11 loại hình dịch vụ điện được cung cấp, năm 2023, Công ty đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh doanh dịch vụ Điện lực. Kết quả doanh thu đạt trên 49,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch Tổng công ty giao 44%; lợi nhuận đạt trên 4 tỷ đồng. Việc thực hiện tốt công tác sản xuất kinh doanh khác góp phần đảm bảo an toàn lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giúp tăng năng suất lao động, mang lại lợi nhuận cho Công ty và nâng cao thu nhập cho người lao động. Cùng với đó sẽ đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất để nâng cao độ hài lòng cho khách hàng

    * Công tác kỹ thuật vận hành

    Hiện công ty đang quản lý vận hành 16 TBA 110kV, 38 MBA lực 110kV với tổng công suất đặt là 2.141 MVA; 2.492 TBA phân phối với tổng dung lượng 587.655 kVA. Năm 2023 không xảy ra sự cố TBA 110kV; có 01 vụ cố đường dây 110kV, giảm 07 vụ so với kế hoạch giao; 251 vụ sự cố trung hạ thế, giảm 84 vụ so với cùng kỳ năm 2022 trong đó số vụ sự cố nguyên nhân do diều đã giảm rõ rệt.

    * Công tác ĐTXD

    Trong năm 2023 PC Thái Nguyên thực hiện khởi công 31/31 dự án đạt 100% kế hoạch, số dự án đóng điện 22/24 dự án thực hiện đạt 91,67% kế hoạch, thực hiện quyết toán 17/17 dự án đạt 100% kế hoạch. 61 gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng, 04 gói thầu được thực hiện chào hàng cạnh tranh qua mạng. Các dự án cơ bản đã lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm, thực hiện các gói thầu đúng tiến độ, tiết kiệm và hiệu quả.

    Đặc biệt, trong năm 2023 PC Thái Nguyên đã phối hợp với Ban quản lý dự án lưới điện và Ban quản lý dự án phát triển Điện lực hoàn thành khởi công và đóng điện dự án “Đường dây và TBA 110kV Yên Bình 8” vượt tiến độ Tổng công ty giao; đóng điện TBA 110kV Định Hóa và TBA 110kV Đa Phúc. Các dự án hoàn thành sớm, vượt trước tiến độ đã đáp ứng nhu cầu phụ tải, được chính quyền và khách hàng tin tưởng, ghi nhận đánh giá cao. Đồng thời triển khai xây dựng các dự án 110kV Núi Cốc; Gia Sàng; Cải tạo đường dây 110kV Thái Nguyên - Núi Pháo; Đường dây và TBA 110kV Minh Đức…

    Thực hiện 22 hạng mục sửa chữa lớn và 310 hạng mục sửa chữa thường xuyên với giá trị 48 tỷ đồng trong đó tập trung cải tạo, nâng cấp đường dây, cấy thêm trạm biến áp chống quá tải; hạng mục xuất tuyến trung áp; thay thế các MBA phân phối vận hành trên 25 năm trên lưới điện...đã góp phần quan trọng trong chống quá tải và cấp điện cho các phụ tải quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững an ninh, chính trị tại địa phương và đời sống an sinh xã hội.

    CÁC PHÒNG BAN CHỨC NĂNG

    1. Văn phòng: Tham mưu giúp Giám đốc Công ty quản lý, điều hành công tác văn thư, lưu trữ, văn phòng điện tử; công tác 5S văn phòng; công tác tổng hợp, hành chính, quản trị, lễ tân, quản lý trang thiết bị văn phòng, quản lý điều hành phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh của PCTN và công tác truyền thông.

    2. Phòng Kế hoạch và Vật tư: Tham mưu tổng hợp giúp Ban Giám đốc Công ty về công tác kế hoạch, tổ chức thực hiện toàn bộ kế hoạch SXKD, SCL, SCTX, , tiếp nhận lưới điện, quản lý cấp phát vật tư phục vụ cho hoạt động SXKD của PCTN.

    3. Phòng Tổ chức & Nhân sự: Tham mưu cho Giám đốc về công tác tổ chức bộ máy quản lý; Công tác cán bộ; Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Công tác lao động, tiền lương; Các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe người lao động; Công tác văn hóa doanh nghiệp và xây dựng cơ quan văn hóa; Công tác chấm điểm KPIs, VSTBPN trong PCTN.

    4. Phòng Kỹ thuật: Tham mưu giúp Giám đốc Công ty quản lý, điều hành công tác kỹ thuật, vận hành và sửa chữa hệ thống lưới điện, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa trong SXKD; Công tác khoa học công nghệ và môi trường; Công tác 5S lưới điện của PCTN.

    5. Phòng Tài chính Kế toán: Tham mưu giúp Giám đốc quản lý, điều hành công tác kinh tế tài chính, hạch toán kế toán của PCTN theo quy định của Nhà nước và phân cấp của ngành.

    6. Phòng Kiểm tra, giám sát mua bán điện: Tham mưu giúp Giám đốc Công ty trong việc quản lý, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động mua, bán điện, công tác kiểm toán năng lượng thuộc phạm vi quản lý của PCTN

    7. Phòng Điều độ: Tham mưu giúp Giám đốc Công ty thực hiện chức năng chỉ huy, điều khiển, quản lý, điều hành công tác điều độ, điều khiển giám sát xa các TBA 110kV không người trực, có người trực trên hệ thống điện địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo quy trình, quy phạm và phân cấp.

    8. Phòng Quản lý đầu tư: Tham mưu cho Giám đốc trong công tác thẩm tra, thẩm định, trình duyệt các dự án đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; Quản lý công tác lập, thẩm tra, thẩm định trình duyệt dự toán trong đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sản xuất kinh doanh, sản xuất khác của Công ty quản lý theo phân cấp ủy quyền của EVNNPC; Kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án; tham gia thực hiện thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành.

    9. Phòng Kinh doanh: Tham mưu giúp Giám đốc Công ty quản lý, điều hành công tác kinh doanh điện năng và điện nông thôn, dịch vụ khách hàng và công tác SXKD khác.

    10. Phòng Viễn thông & Công nghệ thông tin: Tham mưu giúp Giám đốc Công ty về công tác CNTT&VTDR; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp CNTT&VTDR phục vụ SXKD và khai thác quản lý vận hành hạ tầng CNTT&VTDR thuộc phạm vi quản lý của PCTN.

    11. Phòng An toàn: Tham mưu giúp Giám đốc quản lý, điều hành công tác an toàn - vệ sinh lao động; PCCC&CNCH và PCTT&TKCN, BVHLATLĐCA, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn trong PCTN.

    12. Phòng Thanh tra, Bảo vệ và Pháp chế: Tham mưu giúp việc cho Giám đốc Công ty trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý, giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo; công tác pháp chế và những vấn đề có liên quan đến hoạt động của PCTN; bảo vệ quyền và lợi ích pháp lý của PCTN, công tác ISO, công tác Cải cách hành chính; công tác phòng chống tham nhũng; công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác an ninh quốc phòng, công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản.

    13. Ban Quản lý dự án: Tổ chức quản lý và thực hiện: các dự án ĐTXD/công trình nguồn điện và/hoặc lưới điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hoặc địa bàn khác do PCTN được giao làm chủ đầu tư và/hoặc được giao quản lý A; Các dự án VT&CNTT, kiến trúc, phương tiện vận tải,…; Tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát các công trình/dự án do PCTN ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát với các chủ đầu tư/chủ công trình; Các hạng mục/công trình thuộc nguồn vốn SXKD, SCL, khắc phục thiệt hại tài sản cố định theo các quy định hiện hành của Nhà nước, EVN, EVNNPC.