Đưa ánh điện tới từng nhà dân là cả một hành trình đầy gian nan, vất vả của những người thợ điện. Từ thực tế tại những buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện M’đrắk càng thấy rõ những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Đăk Lăk. M’đrắk là huyện nghèo, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, giao thông về các xã vùng sâu còn nhiều cách trở. Việc thi công công trình điện thêm phần vất vả, chi phí đầu tư cũng tốn kém hơn. Các anh Hoàng Viết Tùng và Bùi Văn Quảng phụ trách Điện lực M’đrắk cho biết: Có những xã như Cư San, Cư Roá cách trung tâm huyện tới hơn 50 km, đường sá mùa khô thì bụi, mùa mưa lầy lội nhiều đoạn phải “cuốc bộ” nhiều cây số đường rừng. Thế nhưng, nắng cũng như mưa, những người thợ điện vẫn phải bám đường dây, bảo đảm cho ánh điện luôn toả sáng buôn làng. Trong những tháng mùa mưa, mỗi lần phải đi xử lý sự cố kỹ thuật, cũng như đi thu tiền điện, CBCNV ngành điện phải cuốn xích sắt vào bánh xe máy mới đi qua được những chặng đường lầy lội và thường phải ở lại trong thôn buôn vài ba ngày. Có đợt, vì đường quá lầy, các anh phải đi đường vòng qua huyện khác mới tới được địa điểm cần đến, chuyện mì tôm thay cơm là bình thường, thậm chí nhịn đói dọc đường, nhưng ai nấy đều quyết tâm bảo đảm cho đường điện thông suốt và vận hành an toàn.
Với bà con các thôn 8, 9, 10 và 11 xã Cư San, ngày đóng điện vào dịp cuối tháng 4-2010 thực sự là ngày hội lớn. Trưởng thôn 11 Thào Sao Trơ cho biết: “Bà con đã định cư ở xã Cư San từ năm 1998. Và suốt 12 năm phải sống trong cảnh “đèn dầu” tối tăm, không có điện xem ti vi cũng như sử dụng những tiện nghi, vật dụng hiện đại khác, nên từ trẻ đến già ai cũng khát khao ánh điện… Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tháng 4-2010 điện đã sáng tới từng nhà. Bà con vui như mở hội, xin cảm ơn Đảng và anh em thợ điện!... Hiện tại hơn 1.000 hộ dân Cư San đã có điện và từ ngày có điện cuộc sống bà con thay đổi hẳn. Nhà nào cũng mua sắm và sử dụng ti vi, đầu video cùng những vật dụng sinh hoạt, nhiều máy móc phục vụ sản xuất; việc học hành của bọn trẻ cũng thuận lợi hơn!”.
Anh Hồ Sỹ Kiên, tổ trưởng tổ thi công công trình điện xã Cư San tâm sự: “Phút giây hạnh nhất của người thợ điện chính là thời khắc bật công tắc một công trình điện mới - ánh điện bừng sáng trong tiếng vỗ tay, reo hò vui mừng của bà con. Vì vậy dẫu vất vả đến mấy, nhưng mỗi khi hoàn thành công trình điện ở một thôn, buôn nào đó là anh em công nhân đều rất vui, thấy rằng đã làm được việc có ích cho dân”. Được biết, chi phí dùng điện của bà con Cư San là rất ít, trên dưới 10 nghìn đồng/tháng. Và với những địa bàn như xã Cư San và những vùng khó khăn khác, ngành điện chỉ hướng đến tiêu chí phục vụ công ích là chính, bởi với doanh thu như vậy thì hiệu quả kinh là điều không thể xét đến.
Cấp điện cho buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước và cũng đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn để triển khai thực hiện. Chỉ tính riêng Chương trình cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện ở Tây Nguyên, tỉnh Đăk Lăk có gần 30 nghìn hộ ở 315 thôn, buôn được hưởng lợi với tổng mức đầu tư hơn 501 tỷ đồng. Với suy nghĩ “Niềm vui của người dân khi có điện là hạnh phúc của người thợ điện”, CBCNV Công ty Điện lực Đăk Lăk đã phấn đấu không mệt mỏi, bám sát buôn làng, đẩy nhanh tiến độ thi công từng hạng mục nhằm mục công trình nhằm hoàn thành sớm nhất mục tiêu đưa điện tới từng hộ dân. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã được đầu tư xây dựng mới 87km đường dây 220kV, 60km đường dây 110kV, hơn 1.200 km đường dây trung hạ áp và nhiều trạm biến áp với tổng công suất 225 MVA.
Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh Đăk Lăk có 100% xã, 94% thôn, buôn có lưới điện quốc gia, 95% số hộ dân được dùng điện với mức tiêu thụ bình quân đạt 437 kWh/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Đăk Lăk phấn đấu đến năm 2015, đạt tỷ lệ 100% thôn, buôn có điện; 99% số hộ được dùng điện với mức tiêu thụ điện bình quân khoảng 945 kWh/người/năm.