Nhân viên Điện lực Đại Từ kiểm tra TBA Phúc Lương 3, ở xã Phúc Lương.
Ông Ma Đình Chung, Giám đốc Điện lực Đại Từ, thông tin: Điện lực Đại Từ hiện quản lý trên 350km đường dây trung áp, gần 800km đường dây hạ áp và gần 300 trạm biến áp (TBA) với trên 54.000 khách hàng. Ở các cụm dân cư tập trung, ngành Điện đã bố trí đường điện hạ thế khá thuận lợi cho người dân với chất lượng điện ổn định, đảm bảo điện áp theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương, nhất là ở các xã phía Bắc của huyện, nên vẫn còn những cụm dân cư nhỏ lẻ, cá biệt có cụm chỉ từ 4-5 hộ dân. Bán kính cấp điện quá dài, đường dây từ sau công tơ đến địa điểm sử dụng do người dân tự đầu tư nên chất lượng điện chưa đảm bảo. Những năm qua, trên cơ sở nguồn vốn bố trí của Công ty Điện lực Thái Nguyên, chúng tôi luôn quan tâm đầu tư, ưu tiên cải tạo lưới điện ở những khu vực này. Tính đến nay, 100% người dân trên địa bàn huyện Đại Từ được sử dụng điện lưới Quốc gia.
Trở lại xóm Đầm Làng hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của mảnh đất này. Chỉ 2 năm trước, Đầm Làng là một trong những khu vực chưa có điện lưới Quốc gia bởi địa hình tách biệt, khó khăn. Người dân chủ yếu dùng đèn dầu, ắc quy, máy phát điện mini bằng sức nước.
Suốt nhiều năm thiếu điện, người dân vất vả, thiệt thòi. Giữa năm 2020, Điện lực Đại Từ đã đầu tư lắp đặt 1 TBA 100kVA tại xóm.
Ông Trương Văn Hậu, Trưởng xóm Đầm Làng cho biết: Không thể diễn tả hết niềm vui của người dân nơi đây khi biết tin Điện lực Đại Từ kéo điện về xóm. Có điện, người dân Đầm Làng như được “đổi đời”. Trẻ con không còn phải học dưới ánh đèn tù mù, chập chờn từ máy phát công suất nhỏ. Nhiều gia đình đã sắm tivi, tủ lạnh, loa đài, kết nối mạng Internet... Đời sống nhân dân vì thế cũng khá hơn trước rất nhiều. Hiện, xóm chỉ còn 9 hộ nghèo trong tổng số gần 90 hộ dân.
Toàn xã Yên Lãng có 18 TBA được lắp đặt, đảm bảo cung cấp điện cho khoảng 3.500 hộ dân. Ông Lục Văn Thực, Chủ tịch UBND xã, cho hay: Những năm gần đây, được sự quan tâm của ngành Điện trong việc cải tạo, nâng cấp lưới điện, đầu tư các TBA, về cơ bản, người dân đều có điện sử dụng ổn định, tình trạng người dân tự kéo điện theo nhóm đã không còn. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ như: Chế biến gỗ, sản xuất gạch không nung, gia công cơ khí… có điều kiện phát triển mạnh.
Tương tự, xã Minh Tiến cũng là một trong những địa phương từng rất khó khăn về điện. Từ năm 2017 đến nay, Điện lực Đại Từ đã thực hiện đầu tư gần 7,6 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn xã. Mới đây, các xóm khó khăn, xa trung tâm như Hòa Tiến 2, Lưu Quang, Minh Hòa… đều đã được lắp đặt TBA cùng đường dây tải điện mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu về điện sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Không riêng Minh Tiến, Yên Lãng, những năm qua, 30 xã, thị trấn của huyện Đại Từ đều được ngành Điện quan tâm sửa chữa, nâng cấp thường xuyên. Mặc dù địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, sông suối, gây khó khăn trong việc quản lý, vận hành, song lưới điện đã, đang được đầu tư đồng bộ đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Từ năm 2017 đến nay, huyện đã được đầu tư, sửa chữa nhiều công trình lớn, lắp đặt các TBA chống quá tải với tổng kinh phí trên 440 tỷ đồng. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng sử dụng điện.
“Trong khi ngày càng nhiều dự án đầu tư sản xuất triển khai tại địa phương, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, huyện đang dồn lực phấn đấu để trở thành huyện nông thôn mới và cơ bản đạt các tiêu chuẩn của thị xã vào năm 2025, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Công ty Điện lực Thái Nguyên có những dự án đầu tư phù hợp với huyện, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp…”, ông Ma Đình Chung cho biết thêm.