Hiện nay, hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đã ngày càng phổ biến. Chính phủ nói chung và ngành Điện lực nói riêng đã và đang khuyến khích người dân, khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với nhiều hình thức thanh toán như: qua tài khoản cá nhân, các ứng dụng ví điện tử, qua ngân hàng, kho bạc nhà nước, bưu điện,...
Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán hiện đại. Mọi khách hàng có thể sử dụng công nghệ thông tin hoặc thông qua các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép để thanh toán. Đây là một trong những phương thức đột phá trong giao dịch thanh toán hóa đơn tiền điện, ứng dụng công nghệ thông tin để khách hàng trả tiền điện thuận tiện, nhanh chóng và an toàn nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và trực tiếp là Công ty Điện lực Thái Nguyên, Điện lực Phú Lương đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng như: Vietinbank, BIDV, Agribank, ABBank,... và các tổ chức trung gian như: ECPay, ViettelPay, Vnpost-ViMo, VNPay, ZaloPay, MoMo, Payoo, VNPT media,... trong việc thực hiện thanh toán tiền điện.
Tính đến hết tháng 9/2020, Điện lực Phú Lương thực hiện đạt 17.124/29.138 khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Đạt 58,76% /kế hoạch là 50%. Trong đó qua tài khoản cá nhân: 2.196 khách hàng; Qua các ví (Ecpay; Viettelpay; Bưu điện; Vnpay; Zalopay; MoMo; Vimo; Payoo): 14.342 khách hàng; Chuyển UNC: 586 khách hàng; Số tiền thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là 25,685 tỷ/31,644 tỷ, đạt 81,2%, vượt kế hoạch Công ty giao là 79,4%.
Khách hàng thanh toán tiền điện qua ví Viettelpay
Căn cứ vào Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Ngoài công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan hoàn thành các công việc: ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử; hướng dẫn cơ sở y tế thu phí dịch vụ bằng phương thức không dùng tiền mặt; hướng dẫn trường học thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức không dùng tiền mặt; hướng dẫn chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp qua ngân hàng…
Để triển khai hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết từ Chính phủ, của ngành điện, Lãnh đạo Điện lực cũng đã quán triệt phổ biến đến toàn thể CBCNV: trong quá trình ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, tiếp nhận hồ sơ phát triển khách hàng mới đều phải lưu ý tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng đăng ký, sử dụng các phương thức thanh toán tiền mặt nhằm mục đích thanh toán tiền điện được tất toán mọi lúc, mọi nơi và tránh được các rủi ro khi mang tiền mặt; Số tiền điện thanh toán được giao dịch chính xác, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ; tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức; giúp hạn chế lượng tiền mặt lưu thông, giúp giảm thiểu lạm phát, duy trì sự ổn định của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu thực tiễn./.
Đỗ Việt Hà - Điện lực Phú Lương