Check icon

    Success

    Your request has been successfully submitted.

    Open Left Rail Navigation

    "Nữ tướng" ngành điện

    22/10/2019 08:15

    Tháng 7-2019, bà Đỗ Nguyệt Ánh được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty (TCT) Điện lực Miền Bắc-“anh cả đỏ” của ngành điện cả nước.

    Đây là lần đầu tiên ngành điện có một tổng giám đốc là nữ nên bà Đỗ Nguyệt Ánh được người trong ngành trìu mến tặng cho danh hiệu “nữ tướng” ngành điện. Khi được hỏi, cơ duyên nào đã dẫn bà đến với ngành điện, bà vui vẻ cho biết:

    - Tôi rất may mắn và tự hào được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống trong ngành điện. Bố tôi trước đây làm việc tại Sở Điện lực 1 (TCT Điện lực Hà Nội ngày nay) và Công ty Điện lực 1 (TCT Điện lực Miền Bắc ngày nay). Ông đã trải qua nhiều vị trí từ chuyên viên tới quản lý tại nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kinh doanh, kế hoạch, văn phòng… và sau này vị trí cuối cùng ông đảm nhiệm là Giám đốc Công ty Điện lực 1. Hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống tại khu tập thể của Sở Điện lực 1. Hàng xóm nhà tôi đều là các bác, các cô, chú làm ngành điện, đều là đồng nghiệp của nhau. Cũng vì thế mà trẻ con chúng tôi rất gắn bó với nhau và chúng tôi đều chung một tình yêu với ngành điện. Mơ ước được cống hiến, được làm việc trong ngành điện tại Công ty Điện lực 1 nơi bố tôi và các cô, bác đang ngày đêm gắn bó như gia đình thứ hai luôn cháy bỏng trong tôi. Sau này, khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đã chính thức trở thành thành viên của “mái nhà” Công ty Điện lực 1. Có thể nói, tình yêu ngành điện đã ngấm vào máu thịt của tôi và tôi luôn tự hào về điều đó.

     

    Phóng viên (PV): Bà là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào “ghế nóng” làm tổng giám đốc một TCT lớn có bề dày truyền thống của ngành điện, vậy có áp lực không, thưa bà?

    Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Cảm giác áp lực là có, tuy nhiên, đó là cảm giác đến sau. Cảm giác đầu tiên đó là sự vinh dự và tự hào. Vinh dự vì mình được là “dấu chấm” nhỏ trong lịch sử ngành điện, là người phụ nữ đầu tiên làm CEO của một TCT trong ngành điện. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của cấp trên, đồng nghiệp và của các đơn vị đã lựa chọn tôi làm lãnh đạo của một đơn vị có bề dày truyền thống và có vai trò rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh (SXKD) điện của Tập đoàn EVN. Tôi được đào tạo cơ bản, công tác tại TCT từ khi mới bước vào nghề nên tôi hoàn toàn tự tin với vai trò mới.

    PV: Sau 3 tháng ngồi vào “ghế nóng”, điều bà quan tâm nhất là gì?

    Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Tôi luôn mong muốn khẳng định bản thân và đáp lại sự tin tưởng của lãnh đạo, các đồng nghiệp đã gửi gắm vào mình. Do vậy, tôi cần nỗ lực hết sức để hiệu quả SXKD đạt ở mức cao nhất, cụ thể được thể hiện ở các bộ chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động của TCT: SXKD, kỹ thuật vận hành, đầu tư xây dựng, quản trị doanh nghiệp, hệ số sức khỏe doanh nghiệp... phải bảo đảm nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ kinh tế-xã hội mà Đảng, Nhà nước và Tập đoàn EVN giao cho, đồng thời bảo đảm đời sống của người lao động được ổn định và ngày càng cải thiện cả về vật chất và tinh thần.

    PV: SXKD điện luôn là một “mặt trận” nóng bỏng, lại thêm cái cứng nhắc, khắc nghiệt của một ngành kỹ thuật, chị tìm và truyền cảm hứng trong công việc như thế nào?

    Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Như tôi đã tâm sự ở trên, tôi vào ngành điện như là cái nghiệp, tôi yêu ngành, yêu nghề nên luôn tìm thấy cảm hứng trong công việc. Với bản tính của phụ nữ là sự mềm mại, chi tiết... cộng thêm sự say mê trong công việc, tôi nghĩ đó chính là lợi thế của mình trong công tác quản trị doanh nghiệp. Sắp tới, ngành điện sẽ bước qua một giai đoạn mới, sẽ có một bước chuyển mình về mô hình, ngành điện sẽ không còn lợi thế độc quyền tự nhiên mà sẽ phải cạnh tranh theo lộ trình Chính phủ đã phê duyệt. Do vậy, để tồn tại và phát triển vững mạnh, TCT cần phải tự đổi mới và có nhiều bước thay đổi đột phá, trong đó có thay đổi về phương thức quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Tôi thích sự thử thách, đổi mới và tôi đã rất sẵn sàng cho những thay đổi sắp tới.

    PV:  Có người gọi vui bà là “nữ tướng” ngành điện. Cả 5 “phó tướng” cho bà đều là nam giới, xét chung trong ngành điện thì tỷ lệ cán bộ, nhân viên là nam giới cũng rất cao, điều đó có thuận lợi, khó khăn gì với việc quản lý, điều hành của bà?

    Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Ngành điện là ngành đặc thù, yêu cầu công việc phù hợp với nam giới nhiều hơn. Tại TCT, tỷ lệ nữ chỉ chiếm 26% tổng số cán bộ, công nhân viên, trong đó cán bộ nữ làm quản lý chỉ chiếm 10%. Trước khi tôi là CEO của TCT thì cũng đã trải qua rất nhiều những vị trí tại các bộ phận khác nhau, trong đó có 13 năm giữ vị trí Phó tổng giám đốc TCT. Trong quá trình công tác thì hầu hết các đồng nghiệp đều là nam giới, chúng tôi cùng làm việc, chia sẻ những khó khăn và đều lấy mục tiêu chung là hiệu quả công việc, do vậy việc phối hợp với các cấp, các bộ phận, các đơn vị là rất quan trọng trong công tác điều hành. Nay tôi nhận nhiệm vụ mới thì sự phối hợp đó vẫn rất tốt đẹp và tôi cảm thấy rất may mắn được làm việc trong môi trường mà quan điểm về bình đẳng giới từ các cấp lãnh đạo tới đội ngũ anh em chuyên viên đều rất tiến bộ. Chị em trong TCT đều được tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để phát huy năng lực của mình. Các anh trong ban tổng giám đốc đều là những người có năng lực, trình độ cao, có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, do vậy các anh đã hỗ trợ tôi được nhiều. Tôi rất hài lòng với đội ngũ hiện nay của mình.

    PV: Có người cho rằng, phụ nữ thành công trong sự nghiệp thì phải chấp nhận “mất mát” về mặt gia đình. Bà có cho rằng đó là ý kiến đúng?

    Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Mất mát theo nghĩa là hy sinh gia đình để có sự nghiệp thì không đúng. Tất nhiên, phụ nữ làm lãnh đạo thì sẽ có người chịu thiệt thòi vì ít thời gian dành cho gia đình. Tôi luôn tự nhủ, dù rất say mê với công việc nhưng không được lơ là trách nhiệm với gia đình. Khi là một CEO, cũng như mọi CEO khác, thời gian tôi dành cho công việc nhiều hơn thời gian tôi dành cho gia đình. Đây là một thiệt thòi, một sự hy sinh chứ không phải mất mát. Tôi luôn mong muốn xã hội hãy hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa những nỗi vất vả và khó khăn của người phụ nữ, bởi trọng trách của người phụ nữ trong gia đình cũng rất nặng nề. Chính vì ý thức được điều đó nên sau thời gian làm việc tôi dành hết thời gian của mình cho gia đình, tranh thủ tối đa thời gian đi nghỉ ngơi cùng gia đình, thăm bố mẹ, người thân.. và đặc biệt là quan tâm đến con cái. Tôi có một cháu gái năm nay 19 tuổi, cháu rất gắn bó với mẹ. Do tôi làm cán bộ từ khi rất trẻ nên từ bé cháu đã quen với việc mẹ bận rộn, tuy nhiên, khi có thời gian rảnh tôi lại tranh thủ tâm sự với con, hai mẹ con coi nhau như hai người bạn. Tôi chia sẻ những kinh nghiệm của mình với con và hướng dẫn con bước những bước đi trong mỗi giai đoạn trưởng thành của cháu. Trong giáo dục, tôi không dùng phương pháp áp đặt với con, còn cháu tin tưởng tôi mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi cần tôi tư vấn để ra quyết định. Hiện tại, cháu đã thực sự trưởng thành, tự chủ động mọi vấn đề trong cuộc sống và hơn nữa còn lo lắng lại cho mẹ, luôn dặn mẹ giữ sức khỏe, biết yêu quý bản thân... và tôi thực sự hạnh phúc vì điều đó. Hiện cháu đang đi du học ở nước ngoài, cháu chủ động tìm trường và nộp hồ sơ, rất may mắn là cháu đỗ và được học bổng rất cao, tôi yên tâm với sự trưởng thành của con gái mình.

    PV: Nhân ngày 20-10, chị có thể chia sẻ đôi điều quan niệm của chị về thành công và hạnh phúc của một CEO là phụ nữ?

    Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Làm CEO thì thành công và hạnh phúc của cá nhân dường như hòa quyện vào thành công, hạnh phúc của tập thể. Hiện TCT Điện lực Miền Bắc đang trực tiếp bán điện cho 9 triệu khách hàng. Tính đến ngày 31-12-2018, trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc do TCT quản lý, bán điện, số huyện có điện là 247/247 huyện, đạt tỷ lệ 100%; 5.032/5.032 xã có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100% và 7.773.928/7.898.983 hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 98,54%. Với kết quả trên, TCT là đơn vị dẫn đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam về công tác phát triển lưới điện và khách hàng ở khu vực nông thôn. Bộ máy TCT có hơn 30 công ty với 27 nghìn cán bộ, công nhân viên; tôi tự hào vì đây là một tập thể đoàn kết, hết lòng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    PV: Trân trọng cảm ơn bà!

    TIẾN PHÚ - BÁO QĐND