Check icon

    Success

    Your request has been successfully submitted.

    Open Left Rail Navigation

    Còn vướng mắc trong quản lý, vận hành

    04/06/2020 09:30

     

     Đặt biển cảnh báo giải pháp trước mắt mà Điện lực Võ Nhai thực hiện để khắc phục, xử lý các điểm vi phạm khoảng cách hành lang an toàn lưới điện thuộc Dự án cấp điện nông thôn trên địa bàn hiện nay.

    Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 (viết tắt là Dự án) triển khai trên địa bàn huyện Võ Nhai được hoàn thành vào năm 2017 và hiện do Điện lực Võ Nhai khai thác, bán điện cho người dân. Tuy nhiên, còn vướng mắc liên quan đến hồ sơ công trình nên công tác quản lý, vận hành an toàn lưới điện của Dự án đang gặp nhiều khó khăn.

    Dự án được triển khai trên địa bàn 28 xóm, bản của 9 xã thuộc huyện Võ Nhai, gồm: Phương Giao, Liên Minh, Phú Thượng, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Cúc Đường, Sảng Mộc, Thượng Nung và Thần Sa và có khoảng 2.500 hộ dân được hưởng lợi. Từ khi Dự án đưa điện về các xóm, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân đã vơi bớt khó khăn, diện mạo làng quê đã có nhiều thay đổi.

    Bên cạnh mặt tích cực thì công tác quản lý, vận hành hành lang an toàn lưới điện của Dự án cũng gặp phải nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Hải, quyền Giám đốc Điện lực Võ Nhai cho hay: Dự án có khoảng 102 điểm vi phạm khoảng cách hành lang an toàn lưới điện. Các điểm vi phạm chủ yếu là do người dân nằm trong vùng Dự án trồng cây gỗ keo (từ 3-4 năm tuổi) với số lượng trên 8.775 cây. Và đây chính là nguyên nhân khiến cho từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 10 sự cố về điện, gây mất điện trên diện rộng khiến cho toàn bộ 18.000 khách hàng bị ảnh hưởng, trong đó trên 3.000 khách hàng có liên quan trực tiếp đến Dự án bị ảnh hưởng nặng.

    Sở dĩ Điện lực Võ Nhai chưa thể can thiệp, xử lý các điểm mất an toàn trên là do Sở Công Thương (cơ quan quản lý Dự án) chưa bàn giao các quyết định thu hồi đất, cấp đất vĩnh viễn trên hành lang an toàn lưới điện. Do đó người dân vẫn trồng cây trong hành lang lưới điện, nếu ngành Điện muốn chặt tỉa, người dân đưa ra yêu cầu phải đền bù, hỗ trợ kinh phí. Là một trong hộ dân có nhiều cây trồng trong hành lang an toàn lưới điện, ông Lý Tài Chi ở xóm Kẹ, xã Liên Minh cho biết: Hiện nay, diện tích đất mà đường dây điện đi qua vẫn đang thuộc quyền sử dụng của gia đình tôi. Vì thế tôi đã trồng hơn 500 gốc cây keo, đến nay đã được 4 năm tuổi. Tôi chỉ đồng ý cho chặt tỉa nếu như cơ quan chức năng hỗ trợ chi phí cây giống, nhân công chăm sóc, tìm người thu mua…

    Ông Phan Bá Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ cấp đất cho công trình. Đồng thời tiếp tục vận động nhân dân khai thác gỗ, chặt tỉa và hiến đất trên phần hành lang an toàn lưới điện để việc vận hành, quản lý điện trên địa bàn được an toàn và hiệu quả. Phấn đấu bàn giao cho ngành Điện vào tháng 9-2020. Do Dự án không có kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng nên ngành Công Thương cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ của người dân trong việc sớm thu hoạch gỗ, đồng thuận hiến đất để làm cơ sở bàn giao chính thức cho ngành Điện quản lý.

    Hoàng Cường - Báo Thái Nguyên