Người dân xóm 6 thuộc thị trấn Quân chu, huyện Đại Từ từ nhiều nơi khác nhau đã lên định cư ở đây từ năm 1980. Suốt 32 năm qua, họ luôn phải sống trong cảnh ‘‘ăn đèn, ngủ điện’’. Do chưa có điện lưới Quốc gia về đến xóm nên nguồn điện duy nhất nơi đây có được là kéo nhờ một đường dây từ xóm 2 về phục vụ cuộc sống. Để có đường điện này, nhiều gia đình đã phải bán trâu, bò, lấy tiền đóng góp mua dây điện và các thiết bị kèm theo. Nhưng điện chỉ leo lét như đom đóm, không đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Điện yếu, mọi người không xem được ti vi, cũng không thể sử dụng những tiện nghi, vật dụng hiện đại khác nên từ già đến trẻ, ai cũng khát khao ánh điện. Trong đó thiệt thòi nhất là phải kể đến các cháu học sinh, tối đến không đủ ánh sáng học bài, đành thắp đèn dầu, đốt nến lên để học, việc tiếp cận với những kiến thức mới trên internet để học hỏi, mở mang kiến thức dù rất muốn nhưng không thể cũng chỉ vì không có đủ điện…
Thực ra, thị trấn này tiền thân là thị trấn Nông trường chè Quân Chu nên đa số đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc vào cây chè. Sống trên đất chè nhưng cũng chẳng nơi đâu làm chè khổ như họ vì điện yếu họ không thể tưới chè bằng máy móc mà chỉ trông vào nước trời. Chăm sóc chè đã vậy, đến lúc chế biến cũng vất vả không kém. Ngày thì đi hái chè, đêm thì 1-2 giờ sáng trở dậy để sao chè vì đó là thời điểm duy nhất điện mới đủ khỏe để chạy máy. Bởi vậy, bao nỗ lực của người dân cũng bị hạn chế, năng suất chè đạt thấp, chất lượng không đảm bảo nên sức cạnh tranh thấp, giá bán luôn thấp hơn chè các vùng khác…
Thiếu điện, cuộc sống của người dân nơi đây vất vả là vậy nhưng họ vẫn phải chịu giá bán điện cao, bình quân là 2.400 đồng/kwh. Cả xóm có một công tơ tổng đặt ở xóm 2, sử dụng hết bao nhiều rồi chia bình quân chứ không tính theo giá điện của Nhà nước... Dự án Chống quá tải (bổ sung các trạm biến áp và cải tạo đường dây cũ) do Công ty Điện lực Thái Nguyên triển khai từ tháng 7-2011 đến nay đã giúp đời sống nhân dân nơi đây vơi bớt khó khăn.
Sau một thời gian chuẩn bị, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã triển khai thi công 2 trạm biến áp và cải tạo lưới điện trung thế, hạ thế tại khu vực xóm 5, xóm 6 và một số xóm lân cận nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp điện. Dự án này đã được phê duyệt với số tiền trên 4 tỷ đồng. Để khẩn trương triển khai và thực hiện Dự án phục vụ nhân dân các xóm kịp thời trong mùa hè năm 2012, Đảng uỷ thị trấn đề nghị cấp uỷ, chi bộ các xóm nơi đặt trạm và có đường trung thế, hạ thế đi qua ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền vận động nhân dân có cây và đất trên tuyến đường điện đi qua ủng hộ giải toả hành lang bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Khi có chủ trương trên, gần 100 hộ dân của các xóm 2, 5, 6, 9 và xóm Nhà máy đã đồng lòng hiến đất, tài sản trên đất. Một số hộ tiêu biểu như gia đình anh Hoàng Văn Mạnh, xóm 6 tự nguyện chặt 20 cây keo có vòng dây 100cm trở lên, gia đình anh Nguyễn Công Tuấn, xóm 5 hiến gần 50m2 đất mặt đường để hạ trạm biến áp... Chính vì thế, vào đêm 28 Tết Nhâm Thìn vừa qua, phút giây hạnh phúc nhất của người thợ điện chính là thời khắc bật công tắc một công trình điện mới. Ánh điện bừng sáng trong tiếng vỗ tay, reo hò vui mừng của bà con.
Sau khi đóng điện, nhiều hộ dân đã rủ nhau đi sắm ti vi, tủ lạnh, đầu kỹ thuật số, dàn âm thanh, máy vi tính... Cuộc sống của người dân cũng thay đổi hẳn. Từ khi có điện lưới Quốc gia về, người dân đã được hưởng giá điện theo đúng mức quy định của Nhà nước. Đặc biệt, con em họ đã được học dưới ánh điện sáng. Riêng đối với sản xuất, từ khi có nguồn điện mới, bà con trong xóm đã không phải thức đêm để sao chè nữa. Cả xóm hiện có gần 30ha chè với đa phần là chè Trung du, năng suất bình quân đạt khoảng 70tạ/ha búp tươi. Điện về, bà con mua sắm thêm máy bơm nước để phục vụ tưới chè, thâm canh đưa những giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao vào trồng. Ngay trong lứa chè xuân đầu tiên, năng suất chè của xóm đã tăng gần 80tạ/ha búp tươi.
Vậy là khi về với mảnh đất nghèo còn nhiều gian khó này sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng về đêm là ánh sáng leo lét của đèn dầu nữa. Và rồi bà con nhân dân nơi đây sẽ có thể vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình…/.
Thu Vân