Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của nhân dân ngày càng tăng cao, nhất là ở những địa phương phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ hoặc tập trung nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi. Chính vì vậy, để bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn cho người dân trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Điện lực huyện Phú Lương đã triển khai nhiều chương trình, dự án với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng.
Xã Phấn Mễ có số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn huyện Phú Lương (với trên 30 trang trại, gia trại, tập trung ở các xóm: Bầu 1, Bầu 2, Bò 1, Bò 2, Bún 1, Bún 2…), nhu cầu sử dụng điện của người dân cao hơn so với một số địa phương khác trên địa bàn. Chính vì vậy, mới đây, Điện lực huyện Phú Lương đã đầu tư xây dựng 2 trạm biến áp mới, đồng thời cải tạo, thay thế trên 20km đường dây trung thế, hạ thế cấp điện cho các hộ dân trong xã.
Công nhân Điện lực Phú Lương sửa chữa đường điện tại xã Vô Tranh, bảo đảm cấp điện ổn định cho nhân dân
Cùng với 3 xóm khác, nhân dân xóm Bầu 1 đã được sử dụng nguồn điện cung cấp từ 1 trạm biến áp mới đầu tư xây dựng. Có nguồn điện khỏe, ổn định thay thế cho dòng điện “đom đóm” trước đây, bà con vui mừng khôn xiết. Bà Bùi Thị Tú, một người dân ở xóm Bầu 1 cho biết: Khi chưa có trạm biến áp mới, điện ở đây rất yếu. Vào khung giờ cao điểm trong ngày (như buổi trưa, chiều tối), khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao thì các vật dụng như ti vi, tủ lạnh, quạt… hầu như không dùng được. Cũng vì điện yếu nên trang trại nuôi gà với hơn 2.000 con của gia đình tôi không ít lần bị chết hàng chục con vì thời tiết nóng nực, điện không đủ khỏe để chạy giàn máy làm mát chuồng. Còn nếu chạy bằng máy nổ thì chi phí mua dầu rất tốn kém. Nhưng nay, điện đã khỏe và ổn định, việc chăn nuôi của gia đình tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều, có thể yên tâm mở rộng quy mô để tăng thu nhập.
Ông Khương Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ cho biết: Xã có 22 xóm thì có 4 xóm Bầu 1, Bầu 2, Bò 1 và Bò 2 điện yếu từ nhiều năm nay. Đây đều là những xóm tập trung nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi nên tình trạng điện yếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi cũng như đời sống sinh hoạt của bà con ở đây. Vì thế, 4 xóm này đã được Điện lực huyện đầu tư xây dựng mới 2 trạm biến áp để giảm tải lưới điện. Có nguồn điện mới, từ nay, bà con có thể chủ động sắp xếp được mọi việc, yên tâm tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập.
Không chỉ có xã Phấn Mễ, nằm trong chương trình, dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện đợt này, 100% các xã, thị trấn của huyện Phú Lương đều được hưởng lợi. Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Tức Tranh là xã có thế mạnh về cây chè, việc đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè được hay không thì nguồn điện khỏe, ổn định đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, các khâu từ trồng, chăm sóc và chế biến chè đòi hỏi phải có điện mới đáp ứng được. Chính vì thế, trong chương trình xây mới, cải tạo lưới điện, Tức Tranh là xã được hưởng lợi khá nhiều. Vừa qua, xã đã được xây dựng mới một trạm biến áp tại xóm Thâm Găng - xóm có nguồn điện rất yếu từ nhiều năm nay. Ngoài ra, trong kế hoạch của Điện lực huyện năm 2017, xã sẽ được cải tạo và thay thế hơn 30km đường dây hạ thế sau trạm biến áp của các xóm: Đồng Hút, Tức Tranh 1, Tức Tranh 2; Tân Thái, Minh Hợp…
Còn theo ông Nguyễn Quế Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Đu: Thị trấn Đu có địa phận nằm dọc tuyến Quốc lộ 3 nên lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, thương mại phát triển khá mạnh, hơn nữa, trụ sở các đơn vị, cơ quan hành chính của huyện đều tập trung trên địa bàn nên nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Trong đợt này, 3 tiểu khu của Thị trấn, gồm: Cầu Lân 2, Thọ Lâm và Trần Phú đã được đầu tư xây dựng 3 trạm biến áp mới và cải tạo, thay thế hơn 5km đường dây trung thế, hạ thế. Việc này sẽ giúp giảm tải lưới điện, cấp điện ổn định cho bà con trên địa bàn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Điện lực huyện Phú Lương cho biết: Trước đây, việc kinh doanh, quản lý điện trên địa bàn huyện chủ yếu do các hợp tác xã dịch vụ điện tại các xã, thị trấn thực hiện. Cách đây khoảng 5-6 năm, các hợp tác xã này đã bàn giao lại cho Điện lực huyện quản lý. Chính vì thế, việc đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa lưới điện chưa được thường xuyên, hơn nữa, nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng cao dẫn đến tình trạng điện yếu diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn huyện.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, từ đầu năm đến nay, bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức, Điện lực huyện triển khai thực hiện 3 dự án với tổng mức đầu tư là 35 tỷ đồng, gồm: Dự án giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện khu vực miền Bắc (quy mô Dự án là thay thế 71km đường dây hạ thế cũ, gần 1.060 vị trí cột điện hạ thế không đảm bảo an toàn); Dự án sửa chữa lưới điện năm 2017 (gồm thay thế, cải tạo lưới điện hạ thế sau 7 trạm biến áp ở 4 xã của huyện) và Dự án chống quá tải lưới điện (xây dựng mới 6 trạm biến áp và lắp đặt các đường dây trung thế, hạ thế). Hiện nay, các dự án này đều đang được triển khai, phấn đấu hoàn thành trong năm 2017. Theo kế hoạch, năm 2018, Điện lực huyện đăng ký với Công ty Điện lực Thái Nguyên xin kinh phí đầu tư xây mới 29 trạm biến áp và lắp đặt 57km đường dây hạ thế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của nhân dân địa phương...
Theo http://baothainguyen.org.vn