Tân Thành, Tân Kim, Dương Thành là ba xã của huyện Phú Bình vừa được Công ty Điện lực Thái Nguyên đầu tư xây dựng trạm biến áp, nâng cấp đường dây trung thế, hạ thế theo Dự án cấp điện cho các hộ nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Sự nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng điện ở những vùng khó khăn bước đầu đã tác động tích cực đến cuộc sống của người dân.
Đến xóm Hòa Lâm, một trong ba xóm của xã Tân Thành được thụ hưởng Dự án cấp điện cho các hộ nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa, chúng tôi cảm nhận rõ được niềm vui, phấn khởi của người dân trong xóm bởi nhiều năm qua, người dân nơi đây phải sống trong cảnh “điện đom đóm”. Chị Ngô Thị Quy, một người dân trong xóm chia sẻ: Xóm tôi có 180 hộ dân, lâu nay vẫn sử dụng chung nguồn điện từ Trạm Biến áp Hòa Lâm 1. Khoảng 2-3 năm gần đây, do nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sinh hoạt của người dân tăng cao nên nguồn điện rất yếu. Trong khi đó, nhà tôi cách trạm biến áp gần 4km nên dù nhà có tủ lạnh, máy giặt cũng không dám sử dụng, thi thoảng thì tranh thủ dùng vào ban đêm. Điện yếu nên gia đình tôi cũng chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ, vài con lợn và trăm con gà. Nay có thêm Trạm biến áp Hòa Lâm 2, nguồn điện của gia đình tôi đã ổn định hơn, sắp tới tôi sẽ tập trung vào chăn nuôi, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế.
Chất lượng điện được cải thiện không chỉ góp phần phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt mà còn đảm bảo cho hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân. Anh Hoàng Văn Tuân, người dân xóm Tân Thái, xã Tân Kim cho biết: Tôi có xưởng mộc nhỏ ở nhà, trước kia, vì điện yếu nên việc sản xuất của tôi chỉ cầm chừng, chủ yếu là những đơn hàng lẻ của người dân quanh xóm, phần nhiều thời gian tôi đi làm thuê bên ngoài. Điện chập chờn khiến cho các thiết bị điện nhanh hỏng hơn, đầu năm nay, tôi lại phải thay mô tơ cho máy bào, mất gần 2 triệu đồng. Nay nguồn điện đã ổn định, tôi dự tính sẽ mua thêm máy móc, nhận thêm hàng về sản xuất ở nhà, không phải đi làm ăn xa.
Nhắc đến khó khăn trước kia, ông Vũ Văn Hào, Trưởng xóm Tân Thái cho hay: Để có điện thắp sáng, người dân trong xóm đã mua cột, kéo điện từ trạm điện Kim Đĩnh cách đó khoảng 1-2km. Có khoảng 400 hộ dân của các xóm Thòng Bong, Núi Chùa, Đồng Trúc, Tân Thái sử dụng chung nguồn điện từ trạm biến áp này nên nguồn điện không ổn định, thường xuyên yếu. Vào giờ cao điểm như buổi trưa và chiều tối, bóng đèn nhấp nháy như đom đóm, nhiều hộ dân không dám nấu cơm bằng nồi điện mà phải dùng bếp củi. Điện yếu đến mức không đủ để phục vụ sinh hoạt nên người dân cũng không dám đầu tư chăn nuôi, sản xuất. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, hiện xóm có 35 hộ dân thì có gần 40% là hộ nghèo, cận nghèo. Nay có điện ổn định, một số hộ dân trong xóm cũng đã sắm sửa thêm đồ dùng phục vụ cuộc sống, máy móc cho sản xuất, nhà tôi cũng vừa mới mua chiếc tủ lạnh. Tôi hy vọng đây là điều kiện và cơ hội để nhiều hộ dân từ nay về sau phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Được biết, cùng với xóm Hòa Lâm, Tân Thái, trên địa bàn huyện Phú Bình có các xóm Xuân Lai, Thòng Bong, Núi Chùa (Tân Kim); Đồng Bầu Ngoài, Na Bì (Tân Thành) và An Thành 2, Trung Thành, Nguộn, Núi 2 (xã Dương Thành) được đầu tư xây dựng mới các Trạm biến áp 22 (35)/0,4kV, lắp đặt 7km đường dây trung thế và trên 42km đường dây hạ thế, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho gần 5.000 hộ dân. Đây là Dự án do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 17 tỷ đồng. Thực hiện Dự án này, Công ty Điện lực Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho Điện lực Phú Bình triển khai thi công và lắp đặt.
Theo ông Lê Văn Giới, Giám đốc Điện lực Phú Bình: Việc phát triển lưới điện ở vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội nông thôn, giúp những nơi này tiến kịp miền xuôi, đồng bằng... Xác định mục tiêu đó, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyên hiến đất, mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thi công. Dù trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì còn có những hộ dân không hợp tác, đòi nhận tiền đền bù làm chậm tiến độ thi công công trình. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng, chúng tôi đã lắp đặt và đóng điện 8/11 TBA trước dịp 30-4, đảm bảo việc cấp điện ổn định cho người dân trước mùa nắng nóng. 3 TBA còn lại đến nay cũng đã hoàn tất việc đóng điện tại các trạm, phấn đấu đóng điện đến các hộ dân trong đầu tháng 7.
Tin rằng, với mục đích và những ý nghĩa thiết thực của Dự án, người dân nơi đây sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh để vươn lên xây dựng cuộc sống thêm ấm no, sung túc.
Theo http://baothainguyen.org.vn