Chiếc máy xay xát của gia đình ông Triệu Văn Phượng sử dụng điện lưới.
Đã hơn 1 năm trôi qua, người dân xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai), vẫn còn nhắc về một chiều tháng 9-2020 vui như trảy hội. Hôm đó, Cao Biền chính thức được hòa điện lưới quốc gia - ghi dấu mốc toàn tỉnh Thái Nguyên xóa xóm trắng về điện lưới. Dấu mốc này cũng mở ra cơ hội phát triển sản xuất, cơ hội tiếp cận với khoa học, kỹ thuật cho người dân Cao Biền.
Điện không xa lạ với người dân xóm Cao Biền bởi hơn 10 năm trước, ở đây đã có thuỷ điện nhỏ. Tuy nhiên, có điện lưới quốc gia là câu chuyện khác. Thuỷ điện nhỏ cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu chiếu sáng của người dân. Chỉ có điện lưới quốc gia, người dân mới sử dụng được máy móc sản xuất và thiết bị điện công suất cao, tiện nghi hiện đại.
Ông Triệu Tiến Hội, 67 tuổi, vẫn nhớ những thiết bị điện đắt tiền của gia đình như: Tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện… lần lượt bị hỏng hơn 10 năm trước vì thủy điện chập chờn. Ngày đó, Cao Biền được đầu tư một thủy điện nhỏ với khoảng 30 hộ hưởng lợi. Ông Hội cùng một số hộ khá giả đã đầu tư mua sắm các thiết bị điện đắt tiền về sử dụng nhưng do nguồn nước không ổn định ảnh hưởng đến chất lượng điện nên các thiết bị lần lượt hỏng.
“Nghe tin Cao Biền có điện lưới quốc gia, tôi và con trai đã mua sắm các thiết bị hiện đại như: Tủ lạnh, máy giặt, ti vi, nồi cơm điện, quạt điện… Vào ngày Nhà nước đóng điện cho Cao Biền, nhà tôi đã có đủ thiết bị tiện nghi để sử dụng. Đến nay, toàn bộ thiết bị đó đều còn tốt, không bị hư hỏng gì cả” – ông Hội chia sẻ.
Điện lưới góp phần làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cao Biền.
Đối với gia đình ông Triệu Văn Phượng, sau khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống cũng thuận tiện hơn. Ông Phượng đã mua được tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện để sử dụng. Không chỉ cuộc sống tiện nghi hơn, các thành viên trong gia đình ông còn được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin thời sự qua sóng truyền hình. Quan trọng hơn, chiếc máy xay xát duy nhất phục vụ bà con trong xóm Cao Biền thuộc sở hữu của gia đình ông không còn phải dùng điện chạy từ máy nổ như trước kia.
Điện lưới Quốc gia không chỉ mở ra cơ hội phát triển sản xuất, tiếp cận khoa học, kỹ thuật qua các phương tiện thông tin đại chúng mà còn “mở đường” cho Internet đến với xóm vùng cao xa xôi này. Tháng 5-2021, với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, Viettel là nhà mạng tiên phong phát sóng di động 4G tại xóm Cao Biền. Từ đây, hầu hết các hộ dân trong xóm có thể truy cập Internet qua nền tảng viễn thông 4G.
Tại Điểm trường Mầm non và Tiểu học Cao Biền, các thầy cô giáo có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong từng bài giảng một cách dễ dàng. 26 em học sinh tiểu học và 13 trẻ mầm non có thể theo dõi hình ảnh sinh động truyền tải từ Internet hiển thị qua màn hình ti vi trang bị tại các lớp học. Niềm vui đến trường mỗi ngày với các em như được nhân lên.
Cô Vy Thị Oanh, giáo viên Điểm trường chia sẻ: Vận dụng các bài giảng đa phương tiện vào dạy học giúp học sinh tiếp cận kiến thức trực quan hơn, đồng thời cũng giúp chúng tôi nâng cao chất lượng giảng dạy.
Có điện lưới, học sinh ở Cao Biền được theo dõi hình ảnh sinh động từ Internet hiển thị qua màn hình ti vi trang bị tại lớp học.
Xóm Cao Biền hiện có 48 hộ dân người dân tộc Dao sinh sống. Kể từ khi có điện lưới quốc gia, gần như 100% hộ trong xóm mua được ti vi, tủ lạnh, quạt điện… Ông Triệu Phúc Tiến, Bí thư Chi bộ xóm Cao Biền chia sẻ: Đường giao thông và điện lưới quốc gia về xóm Cao Biền đã làm đổi thay rõ rệt cuộc sống của bà con chúng tôi. Nhờ có đường, có điện, diện mạo Cao Biền đang từng bước đổi thay, người dân có điều kiện tiếp cận với thiết bị điện tử, học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần dần được nâng lên.
Năm 2008, tôi đến xóm Cao Biền lần đầu tiên, người cao tuổi trong xóm hàm ý cái tên Cao Biền để chỉ vùng đất ở nơi cao và xa biền biệt. Cao Biền khi đó ô tô không đến được, thuỷ điện thì phập phù, người dân thì đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, điểm trường xuống cấp…
Cao Biền ngày nay vẫn còn 18 hộ nghèo, vẫn cao nhưng không còn xa biền biệt. Xe ô tô tải, ô tô con thông thường có thể ra, vào xóm; trường lớp học đã khang trang, học sinh được học với trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, từ nền tảng điện lưới quốc gia, viễn thông, truyền hình, máy móc sản xuất, giao thương hàng hoá... đã bước đầu đến với vùng khó này, tạo “cú hích” cho sự phát triển toàn diện của Cao Biền trong tương lai không xa.
Hoàng Hưng - Báo Thái Nguyên