Công tác chống tổn thất điện năng trong ngành điện được coi là một "mặt trận". Bởi ở đây luôn có sự giằng co quyết liệt, có thắng, thua rõ ràng trong kinh doanh điện năng và không kém phần gay go phức tạp, thường xuyên phải kiểm tra cảnh giác, chưa kể việc đầu tư hao tài tốn sức chỉ với mục tiêu: giảm tổn thất điện năng. Bởi vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Điện là phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2012 xuống còn 5,50% (bao gồm cả tiếp nhận bán điện đến hộ dân).
Để đảm bảo điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay, đặc biệt trong 6 tháng mùa khô, Công ty Điện lực Thái Nguyên xác định nếu làm tốt công tác giảm tổn thất điện năng có thể bù đắp một phần đáng kể vào lượng điện thiếu hụt hàng năm, nhất là giảm tổn thất điện năng trong lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận. Thấy rằng, đến hết tháng 12 năm 2011 một số đường dây còn có tổn thất khá cao mặc dù đã giảm so với các quí và năm trước như: 972 – TG Phố Cò 16,46%, 971- TG Phú Bình 22,69%, 972- TG Phú Bình 25,84%, 974- TG Phú Bình 16,97%, 971- TG Đại Từ 10,87%. Nguyên nhân chủ yếu là trong quí đã thường xuyên sử dụng nguồn điện từ Trung quốc, điện áp thấp hơn của Việt Nam không đảm bảo điện áp định mức dọc đường dây, đặc biệt là ĐDK 972- TG Phú Bình điện áp cuối DZ chỉ đạt mức 9,0 kV vào giờ cao điểm. Trong khi đó, lưới điện hạ áp nông thôn hiện tập trung chủ yếu tại các Điện lực: Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên; thế nhưng đây là những khu vực vùng sâu xa, lưới điện kéo dài với tình trạng tiếp nhận lưới cũ nát, bán kính cấp điện xa do đó góp phần làm cho tổn thất cao (Điện lực Phú Bình số lượng trạm điện nông thôn tổn thất > 20% là 44 trạm; Điện lực Phổ Yên số lượng trạm điện nông thôn tổn thất > 20% là 42 trạm; Điện lực Phú Lương số lượng trạm điện nông thôn tổn thất > 20% là 16 trạm).
Chính vì lẽ đó, trong quý I năm 2012, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã thực hiện thay thế công tơ và sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn ngay sau khi tiếp nhận. Đồng thời, tiến hành sửa chữa thường xuyên, phát quang hành lang đảm bảo an toàn lưới điện. Tính toán và lựa chọn các phương thức vận hành lưới điện cơ bản tối ưu, phương thức vận hành khi bị sự cố, phương thức vận hành lưới điện khi cắt giảm tải hiệu quả nhất về mặt giảm tổn thất điện năng. Không những thế còn khai thác có hiệu quả các công trình chống quá tải năm 2011 để từ đó triển khai các hạng mục chống quá tải năm 2012. Bên cạnh đó, Công ty còn tiếp tục kiểm tra đo dòng các TBA phân phối, cân pha lưới điện 0,4kV đối với các TBA có Io>15%( IA + IB + IC)/3 và tiến hành hoán đổi các MBA quá tải, non tải; vệ sinh công nghiệp các ĐZ có cách điện bẩn, thay thế các vị trí sứ bị sứt, vỡ, phóng điện bề mặt; kiểm tra, tính toán hệ thống tụ bù trên lưới điện, đảm bảo vận hành các tổ tụ bù trung thế, hạ thế có hiệu quả nhất; theo dõi chặt chẽ điện áp ở các điểm nút để đề nghị kịp thời với các trạm 110kV cho điều chỉnh ở cuối ĐZ mà U
Ngoài ra, Công ty đã tổ chức tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho CBCNV tại các Điện lực những chuyên đề về: Công tác Ký kết, quản lý HĐMBĐ; Công tác Kiểm tra sử dụng điện; Công tác Lắp đặt, quản lý hệ thống đo đếm điện năng và lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý cho các dịch vụ điện nông thôn trong quý 1/2012. Đồng thời, tăng cường công tác phúc tra GCS công tơ (ưu tiên tập trung đối với khu vực lưới điện HANT các Điện lực Phú Bình, Phổ Yên, Phú Lương). Kiểm tra, rà soát công tơ trên lưới để tiến hành thay định kỳ đạt và vượt kế hoạch năm 2012 được EVN NPC giao: công tơ 1 pha: 25.000 chiếc, công tơ 3 pha: 6.000 chiếc. Công ty đã tiến hành khoanh vùng, phân tích và nhận định các khu vực, đường dây có tổn thất điện năng cao từ đó đề ra các biện pháp xử lý cụ thể cho từng khu vực. Củng cố, tăng cường công tác kiểm tra sử dụng điện, kiểm tra Hệ thống đo đếm điện năng để ngăn ngừa hành vi lấy cắp điện của các khách hàng lớn trọng điểm, khách hàng nhạy cảm (HTX dịch vụ điện, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty CP, Công ty TNHH). Không chỉ có vậy, hàng tháng Công ty còn kiểm tra sản lượng điện bất thường của các khách hàng để tiến hành kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng và thực hiện thay thế ngay các hệ thống đo đếm khi xảy ra sự cố, cháy hỏng; đồng thời tiến hành thỏa thuận truy thu sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng xảy ra sự cố hệ thông đo đếm. Trong khi đó vẫn phối hợp thường xuyên với chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý và tuyên truyền ngăn ngừa lấy cắp điện (đặc biệt là các khu vực mới tiếp nhận lưới điện HANT) nhằm đưa tổn thất LĐNT về mức 15%.
Có thể nói, với các giải pháp cụ thể và thiết thực trong việc giảm tổn thất điện năng, chắc chắn, Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ không chỉ hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, mà còn góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu hạ thấp tỷ lệ tổn thất điện năng mà EVN NPC đã đề ra./.
Thu Vân