Theo thống kê của Điện lực T.X Phổ Yên, trên địa bàn thị xã hiện có 126 trường hợp vi phạm HLATLĐ, trong đó, 23 trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là do người dân xây dựng nhà ở, công trình phụ nằm trong phạm vi bảo vệ của hành lang lưới điện. Ông Trần Thanh Sơn, kỹ thuật viên an toàn chuyên trách của Điện lực T.X Phổ Yên cho biết: Theo quy định thì khoảng cách an toàn cho phép từ đường dây điện cao thế tới các công trình phải bảo đảm tối thiểu từ 1,5 mét trở lên đối với dây bọc và 3m trở lên đối với dây trần. Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của ngành Điện và các quy định của pháp luật, nhiều gia đình vẫn xây dựng, cơi nới nhà ở và các công trình phụ ngay dưới đường dây điện nhưng lại không bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. Việc làm này là hành động xem thường tính mạng, tài sản của chính bản thân và gia đình họ. Bởi lẽ, với khoảng cách như vậy, tai nạn chập điện, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là những khi trời mưa bão…
Theo chân các cán bộ kỹ thuật của Điện lực thị xã đi khảo sát một số điểm vi phạm HLATLĐ điển hình trên địa bàn, chúng tôi không khỏi “rùng mình” khi chứng kiến cảnh những ngôi nhà chỉ cách đường dây điện cao thế từ 1,5-2m. Điển hình trong số các trường hợp vi phạm có thể kể đến trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh, xóm Cẩm Trà, xã Trung Thành. Khu vực nhà xưởng của gia đình ông có diện tích gần 100m2 thì có 60m2 nằm trong hành lang bảo vệ lưới điện, phần mái của nhà xưởng chỉ cách đường dây cao thế 22kV khoảng 1 mét. Nguy hiểm hơn là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Đức, xóm Đoàn Kết, xã Thuận Thành. Dãy nhà trọ lợp mái tôn của gia đình ông được xây dựng chỉ cách đường dây 22kV đúng 1,5m. Trò chuyện với chúng tôi, bà Đinh Thị Nguyệt, tổ dân phố 2, thị trấn Ba Hàng cho biết: Gia đình tôi có đường điện 22kV chạy qua, vào mùa hè năm ngoái, đường dây bị đứt làm cháy toàn bộ cây cối trong vườn, rất may là lúc đó gia đình tôi đều ở trong nhà nên không ai bị thương. Sống dưới đường dây cao thế tôi rất lo lắng nhưng vì đã trót xây dựng nhà ở đây rồi giờ không biết phải làm sao.
Công nhân Điện lực T.X Phổ Yên kiểm tra hệ thống đường dây, thiết bị điện trên địa bàn phường Bãi Bông để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.
Ông Bùi Tuấn Thăng, Phó Giám đốc Điện lực T.X Phổ Yên cho biết: Hầu hết các trường hợp vi phạm đều là do người dân cố tình và khi chúng tôi phát hiện thì họ đã xây dựng xong nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Chế tài xử phạt đã có nhưng với chức năng của mình, ngành Điện chỉ có thể phát hiện, lập hồ sơ rồi thông báo người vi phạm và chính quyền địa phương chứ không thể xử phạt. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì xem việc xử lý vi phạm HLATLĐ là việc của ngành Điện. Vì thế mà nhiều năm qua, chưa một trường hợp vi phạm HLATLĐ trên địa bàn nào bị xử phạt. Người dân thì vẫn cứ vô tư vi phạm bất chấp các quy định của pháp luật. Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, Điện lực Thị xã sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức của người dân, kiên quyết không để phát sinh trường hợp vi phạm mới. Đồng thời, tận dụng các nguồn vốn để khắc phục, xử lý dần các trường hợp vi phạm cũ bằng cách đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện và dịch chuyển đường dây sao cho bảo đảm khoảng cách an toàn. Hiện nay, Điện lực thị xã đang triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp và dịch chuyển tuyến đường dây 972 và 472. Sau khi 2 Dự án này hoàn thành sẽ giảm bớt được gần 20 trường hợp vi phạm HLATLĐ. Từ nay đến cuối năm, Điện lực Thị xã phấn đấu sẽ giảm thêm 25 trường hợp vi phạm để bảo đảm an toàn cho người dân.
Bên cạnh những vi phạm HLATLĐ liên quan đến hoạt động xây dựng thì trên địa bàn T.X Phổ Yên còn diễn ra tình trạng người dân thả diều gây nên những sự cố nghiêm trọng về điện. Mới đây nhất, vào khoảng 21 giờ, ngày 15-7, tại khoảng cột 3-4 nhánh rẽ trạm biến áp Tân Hương 3 đã xảy ra sự cố dây diều mắc vào đường dây 22kV gây mất điện toàn Thị xã. Ngay trong đêm, Điện lực Thị xã đã phải huy động toàn bộ lực lượng đi kiểm tra, tìm vị trí xảy ra sự cố. Phải mất gần 3 giờ đồng hồ sau, ngành Điện mới phát hiện ra điểm xảy ra sự cố và khắc phục xong để đóng điện cho người dân. Những sự cố điện do hoạt động thả diều đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành Điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, khi để xảy ra sự cố, các chủ diều thường không báo cho ngành Điện mà còn tìm cách lẩn trốn trách nhiệm nên rất khó tìm ra thủ phạm để xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng vi phạm HLATLĐ không chỉ xảy ra ở T.X Phổ Yên mà còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Hiện đang là thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão nên việc bảo đảm HDATLĐ đang là vấn đề hết sức cấp bách. Thiết nghĩ, thời gian tới, ngành Điện cần cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn lưới điện. Mặt khác, cần có biện pháp quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm HLATLĐ đã tồn tại từ nhiều năm nay để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Nguồn: http://baothainguyen.org.vn