Check icon

    Success

    Your request has been successfully submitted.

    Open Left Rail Navigation

    Lưu ý khi mua và sử dụng bình nóng lạnh

    27/05/2013 16:33

    Mùa đông đang đến gần, nhu cầu sử dụng bình nóng lạnh trong gia đình tăng lên đáng kể. Dù các tính năng an toàn đã được đưa vào dòng sản phẩm mới nhưng những lưu ý khi sử dụng vẫn rất cần thiết nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

    Chọn bình có công suất phù hợp

    Trên thị trường có nhiều loại bình nóng lạnh, công suất và dung tích phù hợp với yêu cầu của người mua. Chẳng hạn, nếu gia đình ít người, bạn nên chọn bình dung tích nhỏ (10, 15, 30 lít), công suất từ 1.500 W đến 2.500 W hoặc 3.000 - 5.000 W. Loại bình 50-150 lít phù hợp cho gia đình nào có bồn tắm, đông người.

    Bình chứa hay dùng trực tiếp?

    Loại bình dùng trực tiếp chỉ đun nóng lượng nước vừa phải, giúp tiết kiệm điện. Loại này kích thước nhỏ gọn vì vậy có thể lắp ngay tại nơi sử dụng, không phải tốn chi phí cho đường ống và vòi trộn. Tuy nhiên, công suất của bình trực tiếp rất lớn, đòi hỏi nguồn điện sử dụng phải ổn định, đường điện phải an toàn.

    Bình chứa có ưu điểm công suất nhỏ, có thể sử dụng ở những nơi điện áp không ổn định. Loại này cần có không gian thích hợp để lắp đặt và bảo trì, phải đun nước trước 30-60 phút để có lượng nước đủ theo yêu cầu. Nhiệt độ nước nóng khá cao, khoảng 80 độ C nên phải sử dụng vòi trộn, ống dẫn nước. Bù lại, tuổi thọ của bình chứa rất cao và chi phí sửa chữa thấp.
     


    Khi lắp bình nóng lạnh, người dùng nên chú ý việc kiểm tra, bảo dưỡng để tránh rò rỉ điện

    Lưu ý khi sử dụng

    Với loại bình chứa, điều quan trọng nhất là phải luôn luôn đầy nước, tránh tình trạng khi bật bình không có nước, gây hư hỏng bộ đốt.

    Với loại bình trực tiếp, cần bảo trì định kỳ hằng tháng đầu vòi sen và rửa sạch lưới lọc nước.

    Độ cao treo bình khoảng 2m. Để tránh thất thoát nhiệt dọc theo đường ống, bình nóng lạnh phải để gần nơi sử dụng.

    Thông thường, các bình nóng lạnh an toàn vì có rơle tự ngắt. Tuy nhiên, nếu dây may so trong bình bị bong lớp cách điện hoặc vỏ bình bị rò điện thì rất nguy hiểm cho người đang tắm. Vì thế bạn nhất định phải lắp dây "mát" (dây tiếp đất).

    Trong thiết kế, vỏ bình nóng lạnh đã có một đầu dây để chờ tiếp đất (dây "mát"). Dây này có nhiệm vụ triệt tiêu dòng điện nếu chẳng may có hiện tượng rò. Tuy nhiên khi lắp, nhiều người thường ẩu bỏ qua công đoạn này hoặc để cho thợ lắp mà không kiểm tra lại. Nếu bình bị rò điện, trong lúc tắm nước bắn vào bình thì người tắm sẽ bị điện giật, rất nguy hiểm. Vì thế khi lắp bình, bạn cần đọc kỹ catalog hướng dẫn và nhờ người có chuyên môn kiểm tra lại dây tiếp đất.

    Để tránh hiện tượng tắc, gây gỉ sét vỏ bình và rò điện, khi mới lắp bình, nếu nước nhà bạn thường xuyên có cặn, vẩn đục hay nhiễm sắt, phèn, thì sau 1 tháng đầu tiên nên mở bình ra kiểm tra, thau hút cặn, súc rửa bình và bộ lọc, kiểm tra độ khít của các van. Nếu nước bình thường thì nên kiểm tra sau 2-3 tháng. Sau đó mật độ kiểm tra có thể giảm xuống, tuỳ theo chất lượng nước.

    Theo các chuyên gia trong lĩnh vực điện lạnh, để đảm bảo an toàn trước hết không nên sử dụng những chiếc bình nóng lạnh già nua. Ngoài ra, một nguyên tắc bất di bất dịch khác để đảm bảo an toàn trong khi sử dụng bình nóng lạnh là ngắt điện trước khi tắm.

    Hơn thế, khác với điều hòa, tủ lạnh, nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh là đốt nóng nên không gây tốn điện trong quá trình khởi động. Vì thế, không nên bật bình nóng lạnh 24/24h vừa gây tốn điện vừa tạo ra nguy cơ bị hỏng do hoạt động quá tải. Chỉ nên bật bình nóng lạnh trước khi tắm từ 10-15 phút. Nếu dung tích của bình lớn thì có thể tắt bình trước khi người cuối cùng vào tắm.

    Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra bằng cách dùng bút thử điện quệt vào đường ống nước hoặc trực tiếp vào nước. Nếu phát hiện có điện thì ngắt nguồn và kiểm tra lại toàn bộ bình nóng lạnh để khắc phục lỗi.

    Phải thường xuyên bảo trì bảo dưỡng bình nóng lạnh, kiểm tra các dây dẫn. Người sử dụng cũng có thể lắp thêm các thiết bị chống giật (một số model bình nóng lạnh mới đã tích hợp thiết bị chống giật). Khi có biểu hiện bị giật, thiết bị này sẽ tự động ngắt điện.

    Khi thấy người người thân bị giật điện do bình nóng lạnh, không nên lao vào cứu mà phải nhanh chóng ngắt cầu giao điện, sau đó đưa người bị giật ra ngoài và làm các thao tác sơ cứu.

    Các chuyên gia cũng cảnh báo, ngoài bình nóng lạnh, bàn là, lò nướng điện, ấm điện siêu tốc nồi cơm điện… đều nằm trong nhóm đồ điện gia dụng có khả năng rò rỉ điện, gây cháy nổ cao. Nguyên lý hoạt động chung của nhóm thiết bị này là sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp nên nguy cơ rò rỉ điện rất cao. Người sử dụng có thể lấy bút thử điện kiểm tra các đồ dùng xem có bị rò rỉ điện không. Khi sử dụng xong nên ngắt nguồn điện. Ngoài ra, có thể sử dụng một số biện pháp phòng ngừa như đấu thêm bộ chống rò rỉ điện, thiết bị chống giật cho cả nguồn điện trong gia đình.
    Theo icon.evn.com.vn