Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đang bám sát định hướng chung của Tổng công ty Điện lực miền Bắc triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng KHCN, tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp vào hoạt động SXKD. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, phải có hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đủ mạnh, có tính dự phòng cao và đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) phục vụ hoạt động SXKD.
Ông Lê Mã Phi - Trưởng phòng CNTT PC Thái Nguyên cho biết: hạ tầng CNTT trên thực tế đã được Công ty thực hiện hiện đại hoá, nâng cao năng lực trong nhiều năm qua. Hệ thống CNTT luôn đảm bảo thông suốt có tính dự phòng online 1+1, hệ thống lưu trữ dữ liệu hiện đại an toàn tin cậy. Hỗ trợ tự động hóa công việc, số hóa các quy trình Tài chính kế toán; Kỹ thuật - An toàn; Kinh doanh - Dịch vụ khách hàng…
Ông Lê Mã Phi - Trưởng phòng CNTT PC Thái Nguyên kiểm tra phòng máy chủ
Trong quá trình số hóa dữ liệu, số hóa quy trình sẽ có thêm nhiều dữ liệu bao gồm nhiều loại, dưới nhiều dạng khác nhau như cơ sở dữ liệu, bảng tính excel, văn bản text, hình ảnh, video…Vì vậy, Công ty đã xây dựng nền tảng CNTT đảm bảo chức năng thu thập, lưu trữ dữ liệu cho toàn bộ hệ thống và phục vụ cho việc trao đổi giữa các ứng dụng. Cụ thể như trích xuất dữ liệu và đẩy dữ liệu tự động từ SCADA vào PMIS và tự động lên các báo cáo 110kV.
Đến năm 2021, hạ tầng CNTT và viễn thông dùng riêng (VTDR) của Công ty đã được chú trọng đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ nhằm nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu điều hành, SXKD cũng như các dịch vụ khách hàng trên nền tảng số. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các cấp đáp ứng tính sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 như: Hoàn thiện thiết lập mạch vòng nội tỉnh, liên tỉnh mạng IT về đường truyền cáp quang và các thiết bị truyền dẫn đảm bảo tiêu chí 1+1. Hiện PC Thái Nguyên đang quản lý vận hành 893 km cáp quang trong đó 450 km cáp quang đường trục liên tỉnh và 443 km cáp quang nội tỉnh.
Từ năm 2017 Công ty đã thực hiện kết nối mạch vòng 1+1, 1+2 thông tin từ 13 trạm biến áp 110kV đảm bảo kết nối về Trung tâm điều khiển xa và Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1). Hệ thống SCADA/DMS được đầu tư và nâng cấp đồng bộ, có tính dự phòng cao, hiệu năng xử lý đáp ứng các yêu cầu giám sát điều khiển và các ứng dụng tự động hoá trên lưới điện phân phối với độ ổn định cao và tính bảo mật tốt. Trang bị hệ thống lưu trữ dữ liệu cho toàn Công ty phục vụ công tác chuyển đổi số bao gồm dữ liệu người dùng, dữ liệu đo xa. Tự động hoá giám sát đo lường thông đường truyền cáp quang online. PC Thái Nguyên cũng là một trong 8 đơn vị đầu tiên trong Tổng công ty sớm triển khai và chính thức vận hành các trạm TBA 110kV không người trực từ tháng 7/2018.
Trung tâm điều khiển xa PC Thái Nguyên
Song song đó, để đảm bảo tuyệt đối ATTT cho điều độ, điều khiển vận hành hệ thống điện và các hệ thống VT&CNTT nói chung. Công ty đã triển khai dự án trang bị hệ thống firewall thế hệ mới cho mạng LAN, WAN. Thiết lập các chính sách bảo mật nghiêm ngặt cho hệ thống IT và OT. Duy trì 100% các thiết bị CNTT, phần mềm máy tính được cài đặt chương trình chống virus, phần mềm bản quyền và được cập nhật update phiên bản mới nhất để phù hợp với các giải pháp công nghệ số. Ngoài ra trang thiết bị tin học văn phòng, công cụ dụng cụ đã được quan tâm đầu tư đầy đủ, đáp ứng yêu cầu làm việc của đội ngũ CBCNV.
Hiện, PC Thái Nguyên được đánh giá là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả các ứng dụng, phần mềm dùng chung trong tất cả các lĩnh vực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Trong đó, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng được ứng dụng các nghiệp vụ trên nền tảng CMIS3.0 như duy trì hoá đơn điện tử, 99,98% hợp đồng mua bán điện được số hoá; mọi quá trình từ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết ý kiến của khách hàng được thực hiện 100% trên phần mềm CRM; tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử, cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đạt 97%. Hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu công tơ, thu thập dữ liệu đo đếm…có tỷ lệ kết nối thường xuyên duy trì trên 96%…;
Hệ thống phần mềm IMIS, đã số hoá 100% (46 dự án năm 2021 và 10 dự án năm 2022) hồ sơ dự án và thực hiện đấu thầu điện tử; triển khai ứng dụng hiệu quả hệ thống SCADA; Ứng dụng phần mềm OMS quản lý mất điện, nhật ký vận hành điện tử…triển khai số hoá và xây dựng cơ sở dữ liệu lưới điện trên nền tảng bản đồ thông tin địa lý GIS…
Hệ thống Digital Office được triển khai đến toàn bộ CBCNV, 100% CBCNV có tài khoản đều được cài đặt Digital Office trên Smart phone; thực hiện chế độ báo cáo portal; hệ thống ERP;
PC Thái Nguyên triển khai chuyển đổi số công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng
Để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công, chất lượng nguồn nhân lực cũng được Công ty đặt lên hàng đầu. Một lợi thế mà PC Thái Nguyên đang có đó chính là đội ngũ lãnh đạo có năng lực về CNTT, luôn xem việc khai thác ứng dụng CNTT vào các hoạt động SXKD và tập hợp CBCNV trẻ có kiến thức và ứng dụng tốt CNTT để nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, Công ty thường xuyên tổ chức đào tạo và kiểm tra sát hạch CNTT cho CBCNV theo các phân nhóm năng lực nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị, làm chủ các ứng dụng công nghệ của đội ngũ CBCNV sẵn sàng đáp ứng yêu cầu làm việc trên môi trường số một cách linh hoạt.
Việc chuyển đổi số toàn diện nói chung và triển khai ứng dụng CNTT nói riêng đã và đang giúp Công ty tự động hóa rất nhiều quy trình mà trước đây tốn rất nhiều thời gian và nhân sự để hoàn thành. Nhờ các quy trình chuyển đổi số, các công cụ giám sát và cảnh báo thông minh theo thời gian thực…đã giúp tiết kiệm nhân sự trong quá trình phát triển, triển khai, vận hành và hỗ trợ các ứng dụng.
Ông Ngô Trần Hoàng - Phó Giám đốc PC Thái Nguyên cho biết mục tiêu của PC Thái Nguyên đang hướng tới là một doanh nghiệp số trong đó lấy khách hàng làm trung tâm. Với quyết tâm cao triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, PC Thái Nguyên phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp số đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Góp phần đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số./.
Thanh Huyền