Check icon

    Success

    Your request has been successfully submitted.

    Open Left Rail Navigation

    PC Thái Nguyên: Đẩy mạnh dịch vụ điện trực tuyến ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa

    23/05/2022 11:14

    Từ cuối năm 2019, 12/12 dịch vụ điện cấp độ 4 của EVN được kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đây là thành công nổi bật của ngành Điện trong lộ trình chuyển đổi số. Thế nhưng, với phần lớn khách hàng sử dụng điện ở Thái Nguyên sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (khoảng 60%) thì việc đẩy mạnh dịch vụ điện trực tuyến đến gần hơn với người dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

    Định Hóa là một huyện vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh Thái Nguyên, có đến gần 74% khách hàng sử dụng điện là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Việc tiếp cận các công nghệ hiện đại hoặc sử dụng các tính năng trên các thiết bị thông minh còn hạn chế. Để người dân có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến, chị Ma Thị Chinh - Phó trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Định Hóa cho biết thời gian qua Điện lực đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, tuyên truyền đến mọi đối tượng khách hàng trên địa bàn huyện như: thông qua các kênh truyền thông báo, đài địa phương, loa phát thanh thôn, xóm; tuyên truyền qua mạng xã hội zalo, facebook, fanpage Điện lực; hướng dẫn khách hàng tại phòng giao dịch của Điện lực, các quầy thu tiền điện cũng như các quầy giao dịch của đối tác thu hộ tiền điện để khách hàng nắm bắt và biết được dịch vụ trực tuyến của ngành điện.

     

    Nhân viên quầy giao dịch hướng dẫn khách hàng cài đặt zalo để nhận tin nhắn từ ngành điện

    Hiện nay, nhiều người dân có điện thoại thông minh để sử dụng, tuy nhiên không phải ai cũng quan tâm để tiếp cận được với các dịch vụ điện trực tuyến. Chị Ma Thị Gắt ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên, huyện Định Hóa cho biết: Thời gian gần đây tôi cũng đã được nghe các phương tiện thông tin nói nhiều về dịch vụ điện trực tuyến nhưng cũng không hiểu lắm và cũng không biết là sử dụng như thế nào. Sau khi được anh chị ngành điện hướng dẫn cài đặt, tôi thấy rất dễ sử dụng. Giờ đây khi có bất cứ nhu cầu về điện tôi có thể mở điện thoại, vào app để thao tác yêu cầu hoặc gọi điện đến tổng đài 19006769 để được hỗ trợ, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Đặc biệt tôi thấy trong app có rất nhiều thông tin, tôi có thể thường xuyên kiểm tra chỉ số điện dùng hàng ngày, xem lại chỉ số, tiền điện của thời gian trước, rất công khai minh bạch. Hơn nữa việc nộp tiền điện cũng dễ dàng hơn, tôi thường chủ động nộp qua tài khoản mà không cần phải đến quầy thu tiền điện như trước nữa.

    Anh Nguyễn Văn Chỉnh - Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Võ Nhai cho hay: Thông qua các cuộc họp làm việc với các xã, thôn xóm, Điện lực luôn lồng ghép các chương trình của ngành điện, vận động nhân dân thay đổi thói quen, dần từ bỏ phương thức liên hệ làm việc kiểu cũ, thích ứng với các dịch vụ trực tuyến hiện đại. Ngoài ra khi công nhân của chúng tôi đi kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện, thực hiện các nhiệm vụ ngoài hiện trường chúng tôi cũng tranh thủ hướng dẫn, vận động người dân cài đặt và sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến. Tuyên truyền lợi ích dịch vụ công trực tuyến đến từng hộ gia đình bằng cách đến tận nhà để hướng dẫn cài đặt và sử dụng. Hướng dẫn người dân gọi đến đầu số 19006769 khi có nhu cầu về các dịch vụ điện. Cài đặt ứng dụng zalo để nhận được nhiều thông tin của ngành điện.

     

    Công nhân PC Thái Nguyên đến tận nhà hướng dẫn khách hàng các dịch vụ điện trực tuyến và thanh toán qua tài khoản ngân hàng

     Công nhân PC Thái Nguyên tranh thủ hướng dẫn khách hàng cách cài đặt, sử dụng dịch vụ điện trực tuyến khi đi làm ngoài hiện trường

    Ông Đặng Văn Hoạch - Trưởng phòng Kinh doanh PC Thái Nguyên cho biết: Từ cuối năm 2021, 100% hợp đồng mua bán điện của khách hàng trên địa bàn tỉnh đã được số hóa và từ đầu năm 2022, PC Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc trải nghiệm các dịch vụ trực tuyến với khách hàng. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đã thực hiện đạt 100%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đạt 100%; tỉ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 81,6%, số tiền điện thu không dùng tiền mặt đạt 97,2%. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tuyên truyền để duy trì được kết quả trên.

    Năm 2022, PC Thái nguyên cũng đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng để nâng cao dịch vụ về điện trong chăm sóc khách hàng đó là đẩy mạnh thay thế lắp đặt công tơ điện tử và đo xa. Khai thác 100% các ứng dụng phần mềm đã triển khai như chương trình quản lý thông báo tập trung, giám sát sản lượng điện bất thường, ứng dụng thu thập thông tin hiện trường, ứng dụng CSKH ngành điện, triển khai cung cấp các dịch vụ điện trên nền tảng số, số hóa nghiệp vụ hiện trường trên thiết bị di động, tăng cường thanh toán bằng thiết bị di động. Mục tiêu hướng đến của chuyển đổi số là nâng cao hiệu quả, hiệu suất kinh doanh, nâng cao trải nghiệm, lợi ích của khách hàng để khách hàng thấy được sự công khai, minh bạch và an toàn bằng cách tiếp cận trực tuyến.

    Mục tiêu này cũng phù hợp với đề án chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, nhất là việc đẩy mạnh chuyển đổi số khu vực nông thôn. Hiện các Sở, Ban ngành của tỉnh cũng đang đẩy mạnh triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả cung cấp Dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, từng bước tiến tới môi trường số sẽ là kênh cung cấp dịch vụ chính cho công dân trong tương lai./.

     Thanh Huyền