Check icon

    Success

    Your request has been successfully submitted.

    Open Left Rail Navigation

    Điện mùa khô: Khả quan nhưng chưa hết khó

    28/05/2013 09:50

     Về cơ bản, năm nay sẽ không lo thiếu điện. Đó là khẳng định của ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

     Nguồn thủy điện vẫn bấp bênh

    Theo dự kiến, tổng sản lượng điện năm nay là 113 tỷ kWh, trong đó, sản lượng điện mùa khô là 64 tỷ kWh điện. Công suất lớn nhất dự kiến 20.580MW. Riêng tháng 3/2013, tổng nhu cầu tiêu thụ điện toàn hệ thống  dự kiến đạt 11,020 tỷ kWh, tăng 9,88% so với cùng kỳ năm 2012.

    Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất năm nay là tình hình thủy văn không thuận lợi. Tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5,297 tỷ m3, tương đương 1,43 tỷ kWh. Ở khu vực miền Bắc, nước về các hồ thủy điện lớn như Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang đều thấp hơn trung bình nhiều năm (tần suất nước về 75-89%). Các hồ thủy điện miền Nam nước về thấp hơn cùng kỳ 2012. Đặc biệt, các hồ ở khu vực miền Trung Tây Nguyên vẫn tiếp tục khô hạn do năm 2012 không có lũ, tần suất nước về ở mức 87-97%. Ở Tây Nguyên, lưu lượng nước bình quân về hồ thủy điện Sông Ba Hạ rất thấp, chỉ đạt 23-25m³/s. Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 lưu lượng nước về hồ chỉ từ 18-19m³/s. Trong khi đó, thủy điện Đồng Nai 2 sẽ tích nước từ quý 1 năm nay nên mùa khô này nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 sẽ bị thiếu hụt khoảng 200 triệu kWh. Từ nay đến tháng 6, nếu lặp lại tình trạng không có lũ tiểu mãn như năm 2012, các nhà máy sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch phát điện.

    Ông Tạ Văn Luận – Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Yaly cũng cho biết, lưu lượng nước về các hồ Thủy điện trên dòng Sêsan chỉ đạt khoảng 50-60 m3/s, bằng 2/3 lưu lượng các năm cùng thời điểm. Hầu hết các hồ đã sử dụng 1/3 dung tích hữu ích, chỉ còn 2/3. Đến nay chưa có tín hiệu khả quan nào hứa hẹn tình hình thủy văn sẽ được cải thiện, điều đó đồng nghĩa với việc thủy điện sẽ tiếp tục khó khăn.

    Ông Đặng Hoàng An cho biết, mặc dù rất bất lợi về thủy văn nhưng để đảm bảo gieo cấy vụ đông xuân,  EVN đã thực hiện xả 3 đợt 4,7 tỷ m3 nước từ các hồ phía Bắc, tương đương khoảng  1 tỷ kWh điện. Vì vậy, mức nước hồ thuỷ điện Hoà Bình giảm 14,38m, hồ Thác Bà giảm 2,94m, hồ Tuyên Quang giảm 12,65m. Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ  cũng cho biết, hiện nay hồ thủy điện Sông Ba Hạ chỉ cách mực chết 0,5 m, nhưng địa phương vẫn yêu cầu nhà máy vận hành 6-10h/ngày để phục vụ nông nghiệp. Nếu trời tiếp tục không mưa thì chỉ khoảng 20/3 là hồ Thủy điện Ba Hạ về mực nước chết, nhà máy phải ngừng hoạt động. Các nhà máy thủy điện ở Quảng Trị, Quảng Nam cũng vừa lo nhiệm vụ phát điện, vừa lo xả nước chống hạn. Nếu tháng 6 không có lũ tiểu mãn thì tình hinh sẽ rất căng thẳng.

    Điều đáng ngại nữa là tháng 3 bắt đầu vào cao điểm mùa khô nhưng dự kiến chỉ có TM 2 Thủy điện Sông Bung 5 công suất 28,5MW được đưa vào vận hành. Miền Nam không có thêm nguồn điện mới, trong khi nhu cầu phụ tải điện miền Nam cả năm ước 64,793 tỷ kWh, (riêng mùa khô 31,719 tỷ kWh) thì tổng nguồn điện cung ứng chỉ đạt 55,615 tỷ kWh (mùa khô là 29,414 tỷ kWh). Như vậy, năm nay, miền Nam sẽ thiếu 9,178 tỷ kWh (mùa khô thiếu 2,305 tỷ kWh).

    Sẽ huy động hơn 1 tỷ kWh điện giá thành cao

    Ông Đặng Hoàng An, Phó TGĐ EVN cho biết, nhằm tăng nguồn phát điện mùa khô, EVN đang yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tích cực bám lưới. Đồng thời, tập trung sửa chữa các tổ máy nhiệt điện than, tua bin khí; Đưa nhà máy Uông Bí mở rộng 2 (công suất 300MW), TĐ Bản Chát (220MW), tổ máy 1 (300MW) nhiệt điện Quảng Ninh 2 vào vận hành. Phấn đấu hoà đồng bộ TM1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 trong tháng 4/2013. Theo ông An, các dự án thủy điện Khe Bố, Tà Thảng, Văn Chấn, XêKamản 3 có nhiều hy vọng sẽ đưa vào vận hành trong tháng 4. Để đủ điện cho miền Nam, EVN dự kiến huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 1,5 tỷ kWh (riêng mùa khô hơn 1,1 tỷ kWh), lượng còn lại sẽ tải điện từ miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, 1 kg dầu FO (giá 17.650 đồng/kg) chỉ phát được hơn 4 kWh điện thì giá điện chạy dầu sẽ tới 4.500- 4.800 đồng/kWh (giá điện trung bình hiện nay trên 1.400 đồng/kWh), vì vậy, chi phí phát sinh cho EVN sẽ rất lớn.

    Mặt khác, mặc dù đường dây 220kV Đăk Nông- Phước Long- Bình Long đã đi vào vận hành nhưng còn một số công trình lưới điện quan trọng khác vẫn chưa hoàn thành. Nếu vận hành quá tải sẽ gây nguy cơ mất an toàn cho cả hệ thống.  EVN đang chỉ đạo NPT đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình trọng điểm lưới điện cho khu vực miền Nam như công trình nâng công suất các trạm 500kV Ô Môn, Tân Định, Phú Lâm, đường dây 500kV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông, các đường dây 500kV Phú Mỹ- Sông Mây, Sông Mây- Tân Định… Đồng thời, hoàn thành thay dây siêu nhiệt đường dây 220kV Phả Lại - Phố Nối và các dự án cấp điện cho TP. Hà Nội năm 2013...

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: EVN cần chủ động phối hợp với Vinacomin, PVN, Tổng Công ty Khí Việt Nam và các đơn vị phát điện khác để đảm bảo nguồn phát cho hệ thống. Vinacomin, PVN phải cung cấp đủ than và khí cho các nhà máy nhiệt điện. EVN chỉ đạo các đơn vị điện lực tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trên để nâng cao ý thức tiết kiệm điện của cộng đồng xã hội, triển khai tích cực các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2013 tại Việt Nam.

    Theo icon