Check icon

    Success

    Your request has been successfully submitted.

    Open Left Rail Navigation

    Làm gì để khỏi “lăn tăn” về cái cân của nhà điện?

    14/10/2019 11:31

    Khách hàng dùng điện thời “a còng” phần lớn là những người trẻ tuổi đứng tên chủ hợp đồng mua điện. Mắt mũi tinh tường cộng với kiến thức sơ đẳng về kỹ thuật điện đã làm nảy sinh trong họ khá nhiều thắc mắc về cái đồng hồ điện. Trong thời điểm giá điện ngày càng tăng, tiền điện hàng tháng trở thành một trong những mối quan tâm của các ông chủ trẻ, đặc biệt đối với các hộ gia đình đang phải sử dụng điện sau công tơ chính của hộ khác.

    Tiếp xúc với một số người trong số họ, chúng tôi nhận thấy một thực tế: Đối với những hộ sử dụng đồng hồ riêng, đôi khi bằng cảm tính, chủ hộ nhận thấy đồng hồ điện nhà mình chạy nhanh bất thường nhưng vẫn chưa dám làm đơn yêu cầu được kiểm định lại hoặc thay đồng hồ khác vì sợ rằng cảm nhận của mình sai. Đối với những hộ sử dụng điện sau công tơ chính, khi thấy đồng hồ chạy nhanh bất thường, họ có thể nghi ngờ, nhưng họ không mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng muốn chủ công tơ chính thay thế đồng hồ điện chỉ vì lý do kém thuyết phục "tôi cảm thấy nó chạy rất nhanh...".
     
    Với sự đồng cảm tối đa với khách hàng dùng điện, chúng tôi muốn bài viết này chuyển tải đến các khách hàng dùng điện cách kiểm tra một cách tương đối chính xác cái cân của nhà điện (công tơ điện loại 1 pha 2 dây) đang được dùng phổ biến. Thậm chí qua đó còn có thể giúp khách hàng phát hiện ra điều tệ hại nhất: “Liệu mình có đang trả tiền điện chỉ để sấy nóng tường và đất nhà mình hay không?”. Tại sao vậy? Đó chính là hiện tượng thất thoát điện năng do bị rò rỉ từ các tuyến dây điện chôn ngầm trong tường hoặc dưới nền nhà có lớp bọc cách điện không bảo đảm. Có trường hợp lượng điện năng bị thất thoát lớn tới mức làm cho một vùng nền nhà hoặc tường nóng tới hàng vài trăm oC. Sự thất thoát này xảy ra sau công tơ nên gây cho khách hàng những thiệt hại lớn về tiền bạc và nguy hiểm cho những người sống trong căn nhà đó.
     
    Ý nghĩa của các thông số trên mặt công tơ điện 1 pha:



    220V: điện áp định mức của công tơ

    10(40)A: Dòng điện định mức của công tơ là 10A. Có thể sử dụng quá tải đến 40A mà vẫn đảm bảo độ chính xác. Nếu sử dụng quá 40A thì công tơ chạy không đảm bảo chính xác và có thể hỏng. Các dòng điện 5(20)A, 20(80)A, 40(120)A cũng tương tự

    450 vòng/kWh: Đĩa công tơ quay 450 vòng thì được 1 kWh. Nếu là 900 vòng/kWh, 225 vòng/kWh cũng tương tự

    Cấp 2: Cấp chính xác của công tơ. Sai số 2% toàn dải đo. Tương tự cho cấp 1, cấp 0,5. (Cấp càng nhỏ càng chính xác)

    50Hz: Tần số lưới điện

    Cách đọc chỉ số công tơ 1 pha:
     
    Công tơ 1 pha có 6 chữ số. 5 chữ số màu đen và 1 chữ số cuối cùng màu đỏ. Chữ số màu đỏ có giá trị 1/10kWh. Còn các chữ số màu đen ghép lại có giá trị từ 00000 đến 99999kWh.
    Giả sử dãy số là 1234567 thì giá trị cần đọc là 23456.7kWh. Thông thường ta chỉ đọc là 23456kWh, bỏ qua phần thập phân.
     
    Phần một: Tìm hiểu những khái niệm 
     
    Một kWh là bao nhiêu điện năng?
     
    Kilowatt giờ, hay Ki-lô-oát giờ, (ký hiệu kWh) là đơn vị của năng lượng bằng 1000 watt giờ hay 3,6 megajoule. Năng lượng theo watt giờ là tích của công suất đo bằng watt và thời gian đo bằng giờ.
     
    Đơn vị tiêu chuẩn của năng lượng trong hệ đo lường quốc tế (SI) là joule (J), bằng một watt giây (oát giây).
    Ngược lại, một watt bằng 1 J/s. Một kilowatt giờ bằng 3,6 megajoule, đó là lượng năng lượng được chuyển đổi nếu công thực hiện với tốc độ trung bình trong một giờ bằng một nghìn watt.
     
    Kilowatt giờ phổ biến nhất được biết đến như một đơn vị năng lượng cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc sử dụng các thiết bị điện.
     
    Mặc dù hầu hết mọi người đều biết là mỗi tháng nhà mình sử dụng bao nhiêu kWh điện nhưng hầu như ít người biết là với 1 kWh điện mình có thể làm được việc gì.
     
    Công thức cần dùng là : A = P.t
     
    Trong đó : A là điện năng sử dụng; P là công suất thiết bị; t là thời gian.
     
    Vì điện năng hàng tháng tính bằng kWh nên công suất ta sẽ tính bằng kW, thời gian ta tính bằng h.
     
    Một số ví dụ:
     
    Máy sưởi của bạn có công suất 1000 watt (1 kilowatt), hoạt động trong một giờ sẽ tiêu thụ 1 kilowatt giờ (tương đương 3.600 kilo joule) năng lượng.
     
    Bạn sử dụng một bóng đèn 60 watt trong một giờ sẽ tiêu thụ 0,06 kilowatt giờ điện. Bóng đèn này phải bật sáng liên tục trong một nghìn giờ mới tiêu thụ hết 60 kilowatt giờ điện (60 số điện).
     
    Bạn có một nồi cơm điện có ghi công suất là 1000W (1kW). Mỗi lần nấu cơm bạn cần thời gian 30 phút (0,5 giờ). Vậy điện năng bạn sử dụng cho 1 lần nấu cơm với cái nồi đó là : 1kW x 0,5h = 0,5kWh. Như vậy có thể nói với 1 kWh bạn có thể nấu 2 nồi cơm với cái nồi chúng tôi vừa kể.
     
    Bạn có 1 bóng đèn tròn công suất là 100W(0,1KW). Vậy với 1kWh bạn có thể thắp sáng bóng đèn này trong bao lâu? Sử dụng công thức t = A/P => t = 1/0,1 = 10h. Vậy 1kWh thắp được 1 bóng đèn tròn 100W trong 10h.
    Đọc tới đây, không chừng một số bạn đã nói ngay: nhất định đồng hồ nhà mình chạy nhanh vì sử dụng có mấy cái đèn sao tốn tiền điện nhiều thế? Các bạn cứ bình tĩnh đọc tiếp phần sau.
     
    Tốc độ quay của đồng hồ như thế nào là nhanh?
     
    Một trong những chỉ số quan trọng được ghi trên mặt đồng hồ điện chính là số vòng quay của đĩa nhôm tương ứng với 1 kWh. Tiếng Việt thường ghi là 450 vòng/ kWh. Nếu ghi tiếng Anh sẽ là 450rev/ kWh. Các đồng hồ khác nhau về chỉ số này sẽ có tốc độ chạy khác nhau khi sử dụng 1 tải. Ví dụ: Nếu bạn sử dụng 1kWh, khi đo bằng đồng hồ có ghi 225 vòng/ kWh thì đồng hồ sẽ quay khoảng 225 vòng. Nếu bạn sử dụng đồng hồ có ghi là 450 vòng/ kWh thì đồng hồ sẽ quay 450 vòng. Bằng mắt thường ta sẽ thấy đồng hồ sau quay nhanh hơn nhưng thực chất số kWh là như nhau.
     
    Ta nói thêm 1 chút : Nếu ta sử dụng đồng hồ 450 vòng / kWh thì nếu ta chỉ sử dụng 0,1 kWh thì đồng hồ quay mấy vòng? Rõ ràng là nó chỉ quay được 0,1 x 450 = 45 vòng. Các bạn lưu ý con số này nhé. Mình sẽ sử dụng lại sau này.
     
    Phần hai: Tự kiểm tra đồng hồ điện
     
    Bước 1: Bạn tắt tất cả các thiết bị điện, tắt luôn CB (Circuit Breaker hay cầu dao) chính ngay tại đồng hồ. Kết quả mong muốn là đồng hồ hầu như không quay hoặc khoảng 5 đến 10 phút mới quay được 1 vòng. Nếu đồng hồ quay với tốc độ nào đó thì bạn cũng tính được mỗi tháng bạn mất bao nhiêu vì đồng hồ tự chạy rồi. Nếu số lượng ít thì cũng nên bỏ qua vì nguyên tắc đồng hồ nào cũng sẽ nhúc nhích đôi chút nếu ta không dùng gì cả.
    Bây giờ bạn đóng CB chính lên nhưng vẫn tắt tất cả thiết bị. Tắt ở đây là tắt hẳn chứ không phải để ở chế độ chờ - standby (Nếu TV của bạn còn điều khiển tắt mở được bằng remote nghĩa là bạn đang ở chế độ standby đấy). 
    Bước 2: Bây giờ quan sát đồng hồ:
    Nếu đồng hồ không quay thì hệ thống điện của bạn tốt, không có hiện tượng rò điện. Ngược lại thì hệ thống điện của bạn có hiện tượng rò điện sau cầu dao. Điều này tương đương với chuyện bạn đã phải trả tiền cho một lượng điện năng đã “chui” xuống đất (để sấy tường và đất nhà bạn). Nguy hại hơn, hiện tượng rò điện này chỉ xuất hiện sau một công tắc của một phụ tải nào đó, nó khiến cho phụ tải đó tiêu thụ một lượng điện lớn hơn nhiều so với thực tế, khiến ta rất khó nhận ra.
     
    Nếu đồng hồ có quay thì bạn nên đếm thử trong một số phút đồng hồ quay bao nhiêu vòng, ghi lại số thứ nhất (s1). Từ s1 này bạn tính ra được 1 ngày, 1 tháng hệ thống điện của bạn bị rò bao nhiêu. Nếu số lượng đáng kể thì bạn phải tìm ra chỗ rò mà khắc phục nó để tiết kiệm điện. Bước này bạn cần tính trong 1 giờ đồng hồ quay được bao nhiêu và ghi lại số s2.
     
    Bước 3 : Bạn sử dụng một bóng đèn tròn 100W và cắm vào cho nó sáng, bạn ngồi đếm số vòng quay. Bạn sẽ đếm số vòng quay này trong vòng 1 giờ. Bỏ ra 1 giờ để làm việc này chắc chắn rất nhàm chán nhưng nó sẽ giúp bạn giải tỏa mọi nghi ngờ trong một thời gian dài thì cũng đáng lắm chứ, phải không các bạn. Có số vòng trong vòng 1 giờ thì bạn ghi lại số s3. Nếu bạn không kiên trì lắm thì có thể theo dõi trong thời gian ngắn hơn, lúc này cũng theo nguyên tắc tỉ lệ thuận mà tính thôi.
     
    Bước 4: Bạn nên nhớ là số s3 chính là số vòng tương ứng 0,1kWh điện. Bạn tính s4 = (s3 - s2) x10.
    Nếu s4 bằng với số vòng / kWh ghi trên đồng hồ thì đồng hồ chạy đúng. Nếu nhỏ hơn thì đồng hồ chạy chậm. Nếu lớn hơn thì đồng hồ chạy nhanh.
     
    Điểm cần lưu ý cuối cùng là phép đo này chỉ mang tính chất tương đối. Vì sai số sẽ là sai số của công suất bóng đèn cộng với sai số của đồng hồ điện. Nhưng nếu kết quả sai lệch từ vài chục phần trăm trở lên bạn có thể yên tâm đề nghị được kiểm tra đồng hồ. Với sai số nhỏ hơn bạn có thể cân nhắc và quyết định.
     
    Bạn có thể dùng thiết bị điện có công suất lớn hơn để kiểm tra như dùng nhiều bóng đèn mắc song song hoặc nồi cơm điện... Bạn không nên dùng bàn ủi vì bàn ủi sẽ tắt khi đủ nhiệt. Bạn cũng không nên dùng các thiết bị điện có hệ số cosφ khác 1 như bóng đèn huỳnh quang, quạt điện...
     
    Thực hiện kiểm tra theo phương pháp này và nhận được kết quả hài lòng, chắc chắn bạn sẽ không còn “lăn tăn” về sự chính xác của cái cân mà nhà điện cung cấp nữa.

    Bài và ảnh minh họa: Vũ Thế Bình  P10 - PCQN