Check icon

    Success

    Your request has been successfully submitted.

    Open Left Rail Navigation

    Tái cơ cấu để phát triển bền vững

    25/12/2017 13:35

    Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo yêu cầu của Chính phủ từ nay đến năm 2020, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 10-NQ-QĐ ngày 18/8/2017, về tái cơ cấu EVN giai đoạn 2017-2020.

     Tái cơ cấu vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

    Thời gian qua, EVN đã cơ bản đạt được các mục tiêu theo Đề án Tái cơ cấu DN, trong đó, đã thu gọn đầu mối quản lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện, đảm bảo vai trò là DNNN chủ đạo, góp phần thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện tái cơ cấu phải đảm bảo không gây xáo trộn lớn trong cung ứng điện cho nền kinh tế quốc dân; không ảnh hưởng đến khách hàng và đối tác; không tăng thêm các chi phí và giảm phát sinh các đầu mối quản lý trung gian. Đặc biệt, tái cơ cấu phải gắn liền với đảm bảo chế độ chính sách, quyền lợi hợp pháp của người lao động.

    Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn đã đưa ra định hướng tổng thể, bao gồm, Tập đoàn tiếp tục nắm giữ các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu như hiện nay (riêng đối với Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang nghiên cứu phương án cổ phần hóa, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối). Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty phát điện theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu phương án quản lý vận hành các nhà máy điện thuộc các dự án nguồn điện mới do EVN làm chủ đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy định về thị trường điện và các quy định pháp luật hiện hành.

    Đối với khối truyền tải điện, EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại EVNNPT, đồng thời khẩn trương xây dựng, đề xuất cơ chế giá truyền tải điện hợp lý, đảm bảo đủ sức cạnh tranh, nâng cao năng lực đầu tư phát triển lưới điện truyền tải trong giai đoạn tới của EVNNPT. Nghiên cứu phương án Tập đoàn quản lý trực tiếp lưới điện truyền tải trong giai đoạn thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh.

    Đối với khối phân phối và kinh doanh điện, Tập đoàn tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 5 tổng công ty điện lực; thực hiện hạch toán tách bạch chi phí khâu phân phối và bán lẻ điện. Thực hiện tách khâu dịch vụ, bao gồm, sửa chữa, bảo dưỡng và các công việc mang tính dịch vụ phụ trợ với khâu quản lý vận hành lưới điện truyền tải, phân phối, vận hành nhà máy điện... Đối với các đơn vị khác, cần kịp thời nghiên cứu xây dựng phương án kiện toàn mô hình tổ chức cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

    Dự kiến, Công ty Thủy điện Tuyên Quang sẽ được cổ phần hóa trong những năm tới

    Hoàn thiện cơ chế, kiện toàn bộ máy quản lý

    Để đáp ứng được mục tiêu tái cơ cấu DN từ nay đến năm 2020, EVN tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý, trong đó thực hiện rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý nội bộ trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam theo các quy định mới của pháp luật và phù hợp với tính chất đa dạng loại hình doanh nghiệp trong Tập đoàn. Tăng cường phân cấp, phân quyền, trách nhiệm trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư giữa EVN và các đơn vị thành viên; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất – kinh doanh, đầu tư nội bộ trong Tập đoàn; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

    Đặc biệt, Tập đoàn sẽ chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành; trong đó, nghiên cứu và từng bước sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy quản lý của Công ty mẹ, phù hợp với yêu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tăng cường khả năng điều hành của Công ty mẹ đối với hoạt động của các công ty con; thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp chung của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời; hoàn thiện tổ chức quản lý bộ máy điều hành theo hướng thống nhất, gọn nhẹ trong các tổng công ty thuộc EVN.

    Ngoài ra, Tập đoàn tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, kế toán, xây dựng cơ chế tài chính của Tập đoàn phù hợp với lộ trình phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tiếp tục nâng cấp hệ thống tài chính kế toán trong toàn Tập đoàn theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, đảm bảo cho các đơn vị được quản trị như một công ty hạch toán độc lập. Tăng cường việc quản lý và quản trị tài chính ở các cấp, quản lý hiệu quả tài sản, nguồn vốn và đảm bảo cân đối dòng tiền. Kiện toàn bộ máy làm công tác tài chính kế toán, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quy định và yêu cầu công việc.

    Chỉ đạo thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới trong lĩnh vực quản lý, vận hành; đề xuất các giải pháp về quản lý, sử dụng hiệu quả lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng suất lao động của EVN giai đoạn 2016-2020.

    BCH Đảng bộ Tập đoàn giao Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn, phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, người lao động trong đơn vị, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong quá trình thực hiện. Giao HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các ban chuyên môn, các đơn vị thành viên xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết.

     Theo nguồn tin EVN