Chất tanin và theocin trong trà gây ức chế sự bài tiết dịch dạ dày và dịch ruột, đồng thời tannin sẽ kết hợp với protein, chất sắt, vitamin B có trong thức ăn thành các hợp chất khó hấp thụ. Vì vậy, nên tránh uống nước trà xanh ngay sau khi ăn.
Để tránh chất cafein có trong trà kích thích thần kinh gây khó ngủ, mất ngủ nên tránh uống trà vào buổi tối, nhất là ở những người đang bị khó ngủ hoặc có trạng thái nhạy cảm thần kinh.
Nên uống trà vào buổi sáng giúp hệ thống thần kinh được tỉnh táo, minh mẫn, hưng phấn, năng suất công việc sẽ tốt hơn. Không dùng trà xanh ở những người đang sử dụng các thuốc điều trị chống đông máu với mục đích ngăn ngừa các tai biến tim mạch (tai biến mạch não, tai biến tim...) do trong trà xanh có chứa vitamin K (có khả năng tạo ra các cục máu đông gây bít tắc mạch máu).
Thói quen uống trà pha đường cũng có thể gây bất lợi. Hàm lượng đường quá ngọt trong trà cũng tác động xấu tới sức khoẻ, đặc biệt đối với những người vốn đã sẵn có các yếu tố nguy cơ cao gây tai biến tim mạch.
Cũng cần nói thêm là việc sử dụng các chai trà sản xuất công nghiệp, do quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu nên thường có lượng hoạt tính đôi khi rất thấp. Mặt khác, các sản phẩm công nghiệp này thường chứa một số phụ gia như chất bảo quản, chất nhuộm màu nhằm gây bắt mắt, hương liệu tổng hợp, đường hóa học...
Đây là các hóa chất ít nhiều không có lợi cho sức khoẻ, nhất là khi trong quy trình sản xuất không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì vậy, khi chọn lựa sử dụng lâu dài, nên xem xét chọn nhãn mác có uy tín và đọc kỹ thành phần ghi trên nhãn. Nếu uống trà không chỉ với mục đích khoái khẩu mà để tăng cường sức khoẻ thì nên pha trà theo cách truyền thống.