Thực hiện Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công an thị trấn Đu và Điện lực Phú Lương đã thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Đoàn công tác kiểm tra an toàn PCCC tại TDP Cầu Trắng, thị trấn Đu
Từ giữa tháng 8/2021 đến nay, đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra 173 hộ trên địa bàn thị trấn, chủ yếu là các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Nội dung kiểm tra bao gồm: công tác lập, thực tập phương án PCCC, nguồn nước chữa cháy, phương tiện dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra hệ thống điện trong, ngoài nhà, thiết bị tiêu thụ điện, hệ thống chống sét, nguồn lửa, nguồn nhiệt và hướng dẫn cách kiểm tra, bảo quản, sử dụng các bình chữa cháy: bình bột MFZ, bình khí MT,… và tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời kiến nghị các hộ gia đình không chất, xếp các vật liệu dễ cháy, nổ bên dưới chân hoặc gần cột điện, có kê kích, lót cách điện dây dẫn tại các vị trí có mái tôn, hàng rào kim loại, sử dụng và thay thế các dây dẫn đảm bảo an toàn không chắp nối, có tiết diện phù hợp với phụ tải điện; sử dụng đúng công suất, không tự ý thay đổi các thiết bị đóng cắt sau công tơ quá công suất theo Hợp đồng điện đã ký kết, luôn giữ khoảng cách an toàn với các thiết bị điện trên hòm hộp công tơ, cột điện; không lợp mái vẩy, mái tôn đi bên dưới, bao quanh cột điện, tì vào dây điện, phối hợp với Điện lực Phú Lương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không gây cản trở thi công trong vận hành, sửa chữa đường dây và thiết bị điện, gây chạm chập, cháy nổ.
Đoàn công tác hướng dẫn an toàn trong sử dụng điện cho Phòng Khám Hà Thành
Đoàn kiểm tra cũng khuyến cáo với các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, vào mùa hanh khô cần đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, nguồn nước chữa cháy…và biết cách sử dựng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Không để các vật liệu dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
* Một số kỹ năng PCCC và cách thoát nạn:
a) Kỹ năng PCCC trong hộ gia đình:
Để đảm bảo an toàn PCCC trong các hộ gia đình, chủ hộ và các thành viên cần:
- Chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn PCCC trong gia đình.
- Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công… (gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.
- Không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ như pháo, pháo hoa; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong gia đình.
- Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m
- Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…
- Mỗi gia đình nên đầu tư lắp đặt các thiết báo cháy, báo rò rỉ gas…, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
- Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3… ngoài cửa chính, phương tiện phá dỡ mái che, phá khóa, phá cửa…mở lối thoát); mặt nạ phòng độc, chăn, mền, khăn bông… để che chắn mặt, cơ thể… khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm.
b) Kỹ năng thoát nạn khi có cháy ở hộ gia đình:
Khi phát hiện xảy cháy trong hộ gia đình, cần phải:
- Thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.
- Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
- Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
- Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết, đồng thời gọi điện báo cho lực lượng cảnh sát PCCC qua số 114. Lưu ý thông tin chính xác cho lực lượng chức năng số lượng người bị nạn, tình trạng người bị nạn và vị trí người bị nạn.
c) Xử lý khi phát hiện rò rỉ gas:
Khi phát hiện rò rỉ gas cần:
- Cảnh báo cho mọi người xung quanh biết để di chuyển ra nơi an toàn hoặc tham gia cùng xử lý;
- Cách ly nguồn lửa, nguồn nhiệt với khu vực có gas rò rỉ;
- Tuyệt đối không được bật lửa, làm phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bật/tắt thiết bị điện; không sử dụng điện thoại; không đi giầy, guốc có đế kim loại trên nền gạch;
- Khóa van, nguồn cung cấp gas;
- Mở tất cả cửa ra vào và cửa sổ để thông gió khu vực gas rò rỉ.
Đỗ Việt Hà - ĐL Phú Lương